Nhiều DN niêm yết “ngồi chơi” trong quý I

(ĐTCK) Quý I/2013, bức tranh này khó khăn tiếp tục lặp lại, khi BCTC quý cho thấy, nhiều DN niêm yết gần như không có doanh thu từ hoạt động chính.
Nhiều DN niêm yết “ngồi chơi” trong quý I

21 DN có doanh thu quý dưới 1 tỷ đồng

Thống kê BCTC các DN niêm yết (cơ sở dữ liệu của Stoxplus) cho thấy, có ít nhất 21 DN có doanh thu thuần quý I/2013 dưới 1 tỷ đồng. Trong số này, có cả những DN có quy mô vốn hàng trăm tỷ đồng như: CTCP Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (mã PVR), doanh thu đạt… 60 triệu đồng; CTCP Đầu tư PV2 (mã PV2) với 83 triệu đồng doanh thu; CTCP Đầu tư Tây Nguyên (TIC) 482 triệu đồng doanh thu.

Cũng có những DN do đặc thù hoạt động nên không có doanh thu lớn như trường hợp PVR, theo giải trình của Công ty là do PVR là chủ đầu tư thực hiện Dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội, dự án đang trong giai đoạn đầu tư, nên chưa thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong quý I. Nhưng với những DN kinh doanh đơn thuần như CTCP Khoáng sản Bắc Giang (BGM) thì việc gần như không có doanh thu năm 2012, kéo sang quý I/2013 cũng không có doanh thu, đã phần nào phác họa được tình trạng “ngồi chơi xơi nước” trong suốt thời gian vừa qua.

 

Và những đại gia có doanh thu khiêm tốn

Nhìn rộng ra ngoài nhóm DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng, lượng DN có doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh dưới 10 tỷ đồng cũng không hề thấp, trong khi rất nhiều DN trong số này có quy mô vốn chủ sở hữu cả nghìn tỷ đồng, như trường hợp CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, quy mô vốn chủ sở hữu 1.426 tỷ đồng trên vốn điều lệ hơn 1.300 tỷ đồng, nhưng doanh thu thuần quý I/2013 là 6,85 tỷ đồng; cả năm 2012 là hơn 104 tỷ đồng; CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG, vốn điều lệ 1.270 tỷ đồng) có doanh thu quý I/2013 công ty mẹ là 22 tỷ đồng, lãi sau thuế 826 triệu đồng.

Thống kê cho thấy, đa phần DN bị sụt giảm doanh thu và những DN có doanh thu sụt giảm mạnh nhất, đến mức gần như không có hoặc doanh thu, lợi nhuận quá thấp so với quy mô DN đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, một số DN hoạt động trong các nhóm ngành như khai khoáng, vật liệu xây dựng (chủ yếu là các DN sản xuất - kinh doanh gạch men), chứng khoán… cũng chung tình trạng khó khăn.

Giám đốc một quỹ đầu tư trong nước cho biết, từ năm 2006 đến nay, một lượng không nhỏ DN thực hiện kinh doanh theo trào lưu, từ việc đồng loạt đầu tư - kinh doanh chứng khoán, sang bất động sản, khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng thủy điện, trồng cao su… Chính việc dễ dàng huy động vốn từ thị trường chứng khoán giai đoạn trước, chạy theo “mốt” kinh doanh từng thời kỳ (mà hầu hết rơi vào đỉnh) trong khi không có kinh nghiệm, cộng thêm tác động xấu của suy thoái kinh tế vĩ mô đã đẩy hàng loạt DN vào tình trạng khó khăn, lúng túng trong hướng đi và bây giờ là… bất động.

Tại một số DN còn xảy ra tình trạng  năm 2012 và cả đầu năm 2013 gần như không có doanh thu, hàng tồn kho không thay đổi, tức hoạt động kinh doanh chính đình trệ, trong khi cổ đông lớn lần lượt dứt áo ra đi. Không còn người cầm trịch, liệu số phận những DN này sẽ đi về đâu?

Theo quy định của Sở GDCK, một trong những lý do DN bị ngừng niêm yết là ngừng hoặc bị ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh chính từ một năm trở lên. Vậy bao nhiêu DN niêm yết sẽ phải rời sàn, nếu chiếu theo tình trạng này?

Uyên Phạm
Uyên Phạm

Tin cùng chuyên mục