Nhiều CTCK không sống bằng nghề… chứng khoán

(ĐTCK) Trong khi thị phần môi giới của các “ông lớn” trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên cả sàn HOSE và HNX có xu hướng ngày càng phình to, thì ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều CTCK nhỏ gần như không kiếm nổi một đồng doanh thu môi giới, cũng như kiếm được không đáng kể từ các nghiệp vụ lõi của CTCK.
Nhiều CTCK không sống bằng nghề… chứng khoán

0 đồng doanh thu môi giới

Theo báo cáo tài chính quý III/2015 được nhiều CTCK công bố đến thời điểm này, trong khi doanh thu từ các nghiệp vụ lõi như: môi giới, tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành có xu hướng ngày một tăng ở khối CTCK lớn, các CTCK nằm trong Top 10 có thị phần môi giới lớn nhất thị trường, thì ngược lại, doanh thu từ các mảng này đang “teo” đi trông thấy ở nhóm CTCK nhỏ, ít tên tuổi, làm ăn thua lỗ triền miên. Thậm chí, có CTCK không kiếm nổi một đồng doanh thu môi giới.

Trong tổng số hơn 735 triệu đồng doanh thu mà CTCK Liên Việt ghi nhận trong quý III (giảm 88% so với cùng kỳ năm trước), thì không có một đồng doanh thu nào đến từ hoạt động môi giới. Nhiều nghiệp vụ lõi khác như tự doanh, bảo lãnh phát hành…, Chứng khoán Liên Việt cũng ghi nhận 0 đồng doanh thu.  

Với nhiều CTCK khác, trong quý III/2015, tuy có phát sinh doanh thu môi giới, nhưng con số cũng rất bèo bọt. CTCK Bảo Minh đạt 6,1 tỷ đồng doanh thu, thì doanh thu môi giới chỉ đạt 22,5 triệu đồng; trong tổng số 4,4 tỷ đồng doanh thu mà CTCK Morgan Stanley Hướng Việt ghi nhận, chỉ có 2,3 triệu đồng doanh thu môi giới…

Không hiệu quả trong triển khai đầu tư, kinh doanh các nghiệp vụ lõi không chỉ khiến nhiều CTCK tiếp tục rơi vào thua lỗ triền miên, mất thêm vốn như: Đại Việt, EuroCapital, Liên Việt, HVS Việt Nam…, mà còn đe dọa “đường sống” của họ.

Với nhiều tín hiệu chính sách về triển khai sản phẩm mới như: giao dịch trong ngày, chứng khoán phái sinh…, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát đi, để đủ điều kiện tham gia triển khai các sản phẩm có độ phức tạp, rủi ro cao này, các CTCK phải đáp ứng các đòi hỏi cao về an toàn tài chính, kinh doanh hiệu quả…

Những tiêu chí này đang quá sức với không ít CTCK. Nói cách khác, với việc tiếp tục thua lỗ, mất thêm vốn, nhiều CTCK không những khó có cơ hội kiếm tiền từ tham gia triển khai các sản phẩm mới trong thời gian tới, mà ngay cả với mảnh đất kiếm sống hiện tại là các nghiệp vụ truyền thống cũng đang hẹp dần khi bị các CTCK lớn “đánh chiếm”.

Sống nhờ nghề “tay trái” cũng không dễ

Không hiệu quả trong kiếm tiền từ triển khai các nghiệp vụ lõi, nhiều CTCK đang sống nhờ nghề “tay trái”. Điều này thể hiện qua tỷ trọng doanh thu khác chiếm tỷ lệ áp đảo, có trường hợp gần như tuyệt đối trong tổng doanh thu quý III/2015 của nhiều CTCK, như Bảo Minh, EuroCapital, Morgan Stanley Hướng Việt… (xem bảng).

Doanh thu khác của các CTCK thường ghi nhận các khoản phát sinh từ hoạt động kinh doanh vốn, như lãi tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay giao dịch ký quỹ, phí ứng trước tiền bán chứng khoán…

Như vậy, với những CTCK không ghi nhận hoặc có nhưng rất ít doanh thu môi giới, thì được hiểu trong cơ cấu doanh thu khác gần như không có các khoản thu từ lãi cho vay giao dịch ký quỹ, phí ứng trước tiền bán chứng khoán, mà đa phần chỉ là lãi tiền gửi ngân hàng. Điều này được chính các CTCK thừa nhận.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ trong quý III/2015, CTCK EuroCapital (ECC) cho biết, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm đã khiến doanh thu khác của ECC giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCK HVS Việt Nam cho biết, Công ty có thu nhập chủ yếu từ hoạt động môi giới và lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuy nhiên, lãi suất tiền gửi trong quý III/2015 giảm còn khoảng 4,5%/năm so với 6%/năm của cùng kỳ năm ngoái, nên đã làm tăng khoản lỗ trong quý.

Tương tự, trong tổng số 4,459 tỷ đồng doanh thu trong quý III/2015 mà CTCK Morgan Stanley Hướng Việt ghi nhận, thì gần như toàn bộ là doanh thu khác (4,456 tỷ đồng), trong khi doanh thu từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn giảm, khiến Công ty tiếp tục thua lỗ.

Việc nhiều CTCK không chỉ khó sống với lĩnh vực kinh doanh chính, mà còn khó kiếm tiền từ nghề “tay trái”, đang đặt họ trước nhiều ngã rẽ: tiếp tục sống lay lắt và đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ hoạt động; tìm cửa giải thể, sáp nhập, hoặc… bán mình cho chủ mới.

Kỳ 2: Khó sống, CTCK… bán mình cho chủ ngoại

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục