Top 10 công ty chứng khoán, bất ngờ cơ cấu doanh thu

(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý I/2015 của 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên hai sàn cho thấy, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận có sự biến động khá mạnh, đặc biệt là trong cơ cấu doanh thu.
Top 10 công ty chứng khoán, bất ngờ cơ cấu doanh thu

Lợi nhuận CTCK luôn gắn liền với nhịp đập của thị trường, nên nguyên nhân sụt giảm kết quả kinh doanh trong quý I/2015 dễ được lý giải khi thanh khoản thị trường giảm mạnh.

Trong quý I/2015, CTCK Sài Gòn (SSI) với vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả hai sàn (12,24% trên HOSE, 8,58% trên HNX), có kết quả kinh doanh tương đối khả quan khi doanh thu công ty mẹ đạt 365 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 185,6 tỷ đồng.

Đóng góp lớn vào doanh thu là hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn với gần 168 tỷ đồng; doanh thu khác đóng góp 124 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ nghiệp vụ ký quỹ mang lại gần 68 tỷ đồng; hoạt động môi giới đóng góp 62 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở vị trí thứ hai về thị phần trên HOSE (11,04%) và thứ 3 trên HNX (8,46%), CTCK TP. HCM (HSC) có doanh thu môi giới giảm 25%, doanh thu tự doanh giảm 93%, khiến tổng doanh thu giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCK ACB (ACBS) có doanh thu môi giới tăng nhẹ, nhưng doanh thu tự doanh giảm 94%. Tuy chi phí hoạt động kinh doanh trong quý I/2015 của ACBS giảm 69% so cùng kỳ năm 2014, nhưng lãi ròng giảm 32%, ở mức 41,8 tỷ đồng.

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) là công ty hiếm hoi trong Top 10 có doanh thu quý I/2015 tăng 31% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 95,47 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết các mảng hoạt động kinh doanh đều tăng mạnh.

Cụ thể, doanh thu môi giới tăng 65,3%, doanh thu tư vấn tăng từ 2,7 tỷ đồng lên 21,2 tỷ đồng, doanh thu khác cũng tăng, chỉ có doanh thu tự doanh giảm từ 37,2 tỷ đồng xuống 13,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động của SHS lên đến 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái được hoàn nhập gần 6 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý I/2015 chỉ còn hơn 12 tỷ đồng, giảm 83,4%. Tại thời điểm cuối quý I, Công ty vẫn còn lỗ luỹ kế chưa phân phối hơn 93 tỷ đồng.

CTCK VNDirect (VNDS) có doanh thu môi giới giảm trong quý I/2015, nhưng doanh thu cho vay ký quỹ tăng từ 7,8 tỷ đồng lên 25,3 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2015, VNDS có dư nợ vay ký quỹ khá lớn, trên 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với mức 692 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2014.

Top 10 công ty chứng khoán, bất ngờ cơ cấu doanh thu ảnh 1

Liên quan đến cho vay ký quỹ, các CTCK Top 10 về thị phần môi giới nhìn chung duy trì được nguồn tiền để hỗ trợ dịch vụ tài chính cho khách hàng. Nhiều công ty trong số này tự chủ được nguồn tài chính bằng cách phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu.

Tại thời điểm cuối quý I/2015, số dư tiền và tương đương tiền lớn nhất vẫn thuộc về SSI với 2.342 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, số dư ký quỹ của NĐT tăng 364 tỷ đồng.

Cũng có số dư tiền tăng so với đầu năm là VNDS và VCSC, lần lượt đạt 1.753 tỷ đồng và 639 tỷ đồng. Đối với HSC, hạng mục này giảm nhẹ còn 1.461 tỷ đồng, nhưng số dư ký quỹ của NĐT giảm 67%, còn 430 tỷ đồng.

ACBS có tổng dư tiền giảm gần phân nửa, dư tiền ký quỹ của NĐT thấp nhất trong Top 10, chỉ đạt 17 tỷ đồng. SHS có số dư tiền giảm gần 400 tỷ đồng, nhưng dư tiền ký quỹ của NĐT tăng gần 130 tỷ đồng so với đầu năm.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2015 có phần kém lạc quan so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đa số CTCK đều có cái nhìn lạc quan trong những quý còn lại của năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh dự báo sẽ có sự phân hóa giữa các công ty. Đồng thời, sẽ có sự thay đổi trên bảng xếp hạng thị phần môi giới khi một số CTCK đang nỗ lực bứt tốc.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục