Theo đó, trong 104 CTCK, 20 CTCK bị đưa vào diện tái cấu trúc, 84 CTCK trong tình trạng hoạt động bình thường. Tuy nhiên, trong số 84 CTCK này, không ít công ty có doanh thu từ hoạt động môi giới năm 2013 dưới 1 tỷ đồng, hoạt động được coi là cốt lõi của một CTCK, cho thấy không gian sống của các công ty này đang dần bị thu hẹp.
Cả năm doanh thu môi giới chưa đến… 1 tỷ đồng
BCTC quý IV/2013 của CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) cho thấy, trong tổng doanh thu GLS đạt được trong quý IV là 771,89 triệu đồng, doanh thu từ hoạt động môi giới chiếm 28%, với 218,2 triệu đồng.
Lũy kế cả năm, doanh thu từ mảng môi giới của GLS cũng chỉ đạt 926,86 triệu đồng, bằng 17,78% tổng doanh thu. Nhưng bất ngờ hơn, GLS lại báo lãi cho dù con số lãi không đáng kể, đạt hơn 273 triệu đồng, so với khoản lỗ 2,78 tỷ đồng của quý trước và 4,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Lý do, theo giải trình của GLS là được hoàn nhập dự phòng 3,47 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi ít ỏi này không đủ bù cho khoản lỗ của các quý trước. Kết thúc năm 2013, GLS ghi nhận lỗ thêm 4 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu bị ăn mòn quá nửa. Tính đến ngày 31/12/2013, vốn chủ sở hữu của GLS còn 65,18 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 135 tỷ đồng.
BCTC quý IV/2013 của CTCP Chứng khoán Viễn Đông (VDSE) cũng thể hiện khoản doanh thu từ hoạt động môi giới hơn 90 triệu đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là 3,82 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, VDSE cũng chỉ đạt 642 triệu đồng doanh thu từ hoạt động này trong tổng số hơn 1 tỷ đồng tổng doanh thu. Kết quả này với một CTCK chỉ được thực hiện duy nhất một hoạt động là môi giới, thì VDSE khó tránh khỏi tình trạng thua lỗ, khi mà chi phí hoạt động đã lên tới gần 9 tỷ đồng (con số này mặc dù đã được giảm đáng kể so với năm 2012), khiến Công ty lỗ 7,7 tỷ đồng cả năm. Tính đến ngày 31/12/2013, khoản lỗ lũy kế của VDSE cũng lên tới hơn 43 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Chứng khoán Hùng Vương (HVS) và CTCP Chứng khoán Toàn Cầu (Vinaglobal) cũng lần lượt đạt doanh thu môi giới trong năm 2013 là 954 triệu đồng và 245 triệu đồng, chiếm 24,5% và 4,94% tổng doanh thu. Mặc dù được thực hiện 2 nghiệp vụ là môi giới và tư vấn, nhưng mảng tư vấn của cả hai đơn vị này trong năm 2013 đều không có doanh thu, phần lớn doanh thu có được đều từ doanh thu khác.
Khả dĩ hơn là trường hợp của CTCK Phượng Hoàng (PCS), khi doanh thu từ hoạt động môi giới trong năm qua đạt hơn 2 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền tính đến cuối năm khá dồi dào, có tới 35,8 tỷ đồng, trong khi khoản nợ ngắn hạn chỉ hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty cũng không tránh được tình trạng chung như các CTCK trên, đó là thua lỗ. Năm 2013, PCS lỗ 3,5 tỷ đồng, ghi nhận năm thứ 3 lỗ liên tiếp.
Với CTCP Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS), hoạt động môi giới đã gần như dừng hẳn. Theo BCTC quý IV/2013 Công ty vừa công bố, thì doanh thu hoạt động môi giới cả năm chỉ có gần 6 triệu đồng. Trong năm 2013, thị trường cũng chứng kiến những tranh chấp xảy ra giữa những thành viên trong nội bộ Ban điều hành, cũng như những bất đồng giữa nhóm cổ đông nội và cổ đông ngoại của Công ty. Chính việc này đã khiến hoạt động của KVS gần như đình trệ trong cả năm qua.
Kết quả, KVS lỗ gần 7 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2013 lên 25,67 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng chỉ còn hơn 109 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 135 tỷ đồng.
Hướng đi nào
Điểm chung của các CTCK trên là đều trong tình trạng lỗ triền miên, vốn chủ sở hữu đang bị ăn mòn, khiến sức khỏe của các CTCK đối mặt với nguy cơ cao là mất thanh khoản, mất an toàn tài chính, Đặc biệt trong bối cảnh TTCK đang cạnh trạnh ngày một gay gắt, thì với tình trạng ốm yếu như hiện tại, cửa sống cho các CTCK này đang ngày một hẹp thêm.
Ngoài ra, tìm hiểu qua các website những CTCK trên cũng thể hiện rõ sự “nghèo nàn” đối với website của một CTCK, khi mà ngoài một số tin tức về doanh nghiệp, một số thông tin thị trường, thì gần như không có các báo cáo phân tích cổ phiếu, báo cáo phân tích thị trường, hay các khuyến nghị đối với cổ phiếu.
Điều này cũng phần nào cho thấy, bên cạnh yếu tố khó khăn chung của thị trường, việc chưa thật sự đầu tư cho mảng nghiệp vụ, cũng là một trong những nguyên nhân khiến khối CTCK này đang dần mất đi lượng khách hàng của mình. Thống kê mới đây về Top thị phần môi giới trên sàn chứng khoán trong năm 2013, thì Top 10 CTCK đã chiếm đến 62,6% thị phần trên HOSE và 55,4% trên HNX.
6 CTCK mà ĐTCK vừa điểm qua là con số thống kê chưa đầy đủ, trong 84 CTCK đang hoạt động bình thường còn có những CTCK khác cũng trong tình cảnh tương tự và rất có thể, danh sách CTCK thuộc diện tái cơ cấu sẽ được nối dài thêm trong thời gian tới.