Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) chia sẻ, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 865 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2015 của BSC chưa thực hiện được, nhưng năm nay thì việc tăng vốn không thể trì hoãn. Tại ĐHCĐ ngày 23/4 tới, BSC sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành cũng như phương án tăng vốn đang được HĐQT BSC cân nhắc.
Theo ông Huy, trong trường hợp không tăng vốn thông qua phương án phát hành cổ phiếu thì BSC sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn tối thiểu lên 900 tỷ đồng, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn làm thành viên bù trừ trực tiếp đối với TTCK phái sinh.
“TTCK phái sinh dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2016, đầu năm 2017 và để tham gia thị trường mới này, đòi hỏi các CTCK phải đáp ứng được về nguồn lực tài chính, đây là yêu cầu tối thiểu để các CTCK không bị đứng ngoài cuộc chơi”, ông Huy nói.
Với mức vốn chủ sở hữu trên 995 tỷ đồng và vốn điều lệ 836 tỷ đồng, CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSc) cho biết, Công ty sẽ tiếp tục tăng vốn và trình xin cổ đông cụ thể ở ĐHCĐ 2016 sắp tới.
“Kế hoạch tăng vốn đã và đang được nhiều CTCK tính đến, ngoài chuẩn bị cho việc tham gia TTCK phái sinh thì điều quan trọng mà các công ty hướng đến là đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính cho khách hàng, triển khai các sản phẩm mới. Kế hoạch tăng vốn của VietinbankSC cũng không nằm ngoài những mục tiêu đó”, ông Không Phan Đức, Tổng giám đốc VietinbankSc nói.
Theo Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, để tham gia thị trường này, các CTCK phải đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 600 tỷ đồng với hoạt động tự doanh, tối thiểu 800 tỷ đồng với hoạt động môi giới và phải đáp ứng các yêu cầu về lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng, quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Hiện tại, thị trường có khoảng 20 CTCK đáp ứng được các yêu cầu này. Tuy nhiên, nếu đạt được tiêu chuẩn làm thành viên bù trừ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, thì vốn chủ sở hữu đối với CTCK là từ 900 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ trực tiếp, 1.200 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ chung. Với tiêu chuẩn này, số CTCK đáp ứng được chỉ còn khoảng 15 công ty.
Về việc đặt điều kiện tối thiểu về mức vốn điều lệ CTCK ở mức cao để được tham gia TTCK phái sinh, theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các hoạt động trên thị trường phái sinh vốn đòi hỏi trình độ nghiệp vụ và năng lực tài chính cao từ phía các thành viên thị trường do mức độ rủi ro cao hơn, quy mô giao dịch có thể rất lớn do sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính. Chính vì vậy, các CTCK khi muốn tham gia vào một sân chơi mới thì tăng quy mô vốn là yêu cầu đầu tiên. Tiêu chuẩn này trước hết là để đảm bảo an toàn cho chính công ty, cho nhà đầu tư và hoạt động thông suốt của thị trường.
CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 722 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Hình thức phát hành cũng như số lượng cổ phiếu phát hành cụ thể sẽ được HĐQT BVSC trình ĐHCĐ trong kỳ họp sắp tới, trong đó có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cho cán bộ, công nhân viên.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCK Tân Việt (TVSI) cho hay, tăng vốn là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp, không riêng khối CTCK, khi TTCK đã phát triển như hiện nay. Với TVSI, Công ty sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2016 kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng và sẽ tiếp tục nâng dần vốn điều lệ để đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia TTCK phái sinh.
Theo ông Dũng, lộ trình tăng vốn là cần thiết, nhưng phải được tính toán một cách hợp lý để cổ đông thấy thuyết phục, chứ không phải là một cuộc “chạy đua” và quan trong là phù hợp với tình hình hoạt động của từng Công ty.