Nhiều cổ phiếu bật mạnh khi lãnh đạo “đỡ giá”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động, cổ phiếu của những doanh nghiệp có thông tin tốt cộng với việc lãnh đạo mua gom số lượng lớn đã cho thấy sức bật khá tốt.
Động thái mua vào của cổ đông nội bộ thường tạo hiệu ứng tâm lý tích cực với cổ đông, nhà đầu tư. Ảnh: Dũng Minh. Động thái mua vào của cổ đông nội bộ thường tạo hiệu ứng tâm lý tích cực với cổ đông, nhà đầu tư. Ảnh: Dũng Minh.

Cổ phiếu hồi phục khi cổ đông nội bộ mua vào

Sau khi cổ phiếu DIG (của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Group) có 5 phiên giảm sàn liên tiếp, từ 15/5 - 21/6, người nội bộ doanh nghiệp đã công bố mua vào với khối lượng lớn. Cụ thể, bà Lê Thị Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu DIG, thời gian giao dịch từ ngày 28/6- 27/7/2022.

Trước đó, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu DIG. Thời gian giao dịch từ 30/6 - 29/7, nếu giao dịch thành công, ông Cường sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,28% lên 12,28%.

Cổ phiếu DIG đã có nhịp giảm sâu kể từ vùng đỉnh gần 120.000 đồng/cổ phiếu xác lập vào ngày 11/1/2022, khi đóng cửa phiên 21/6 ở mức 31.500 đồng/cổ phiếu.

Ngay sau khi thông tin lãnh đạo Công ty và người có liên quan công bố mua vào với khối lượng lớn, cổ phiếu DIG đã chấm dứt chuỗi ngày giảm sàn và tăng mạnh trở lại. Trong 5 phiên giao dịch từ 23/6 - 28/6, cổ phiếu này có tới 3 phiên tăng trần. Khi thị trường biến động trong hai phiên giao dịch 29/6 và 30/6, mã này có nhịp giảm nhẹ nhưng đã bật lên trong các phiên sau đó.

Phiên 1/7, DIG đạt thị giá 36.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 16% so với hôm 21/6. Có thể nói, động thái của lãnh đạo doanh nghiệp đã “đỡ giá” thành công cho cổ phiếu DIG ở thời điểm này.

Câu chuyện cũng diễn ra tương tự với cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC). Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu HBC trong thời gian từ 23/6 - 22/7, “nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường”. Nếu giao dịch được thực hiện, tỷ lệ sở hữu của ông Hải tại HBC sẽ được nâng từ 15,84% lên 19,91% (48,9 triệu cổ phiếu).

Thời điểm Chủ tịch HBC đăng ký mua vào là sau khi cổ phiếu này có 8 phiên giảm liên tiếp, rơi về 15.450 đồng/cổ phiếu.

Phiên giao dịch cuối tuần qua (1/7), HBC tăng kịch trần, đóng cửa ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 15% so với phiên 20/6 - phiên trước khi Chủ tịch HBC công bố mua vào.

Việc cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đã rơi về vùng giá được đánh giá là khá rẻ so với tiềm lực của doanh nghiệp, cộng với động thái “đỡ giá” của lãnh đạo đã giúp cổ phiếu HBC tăng trần trong phiên 21/6 và các phiên sau đó nối dài sắc xanh.

Phiên giao dịch cuối tuần qua (1/7), HBC tăng kịch trần, đóng cửa ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 15% so với phiên 20/6 - phiên trước khi Chủ tịch HBC công bố mua vào.

Trước đó, tại doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD), ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng quản trị công bố gom 730.000 cổ phiếu của doanh nghiệp trong thời gian từ 3/6 - 2/7 theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Thời điểm ông Bolat công bố mua vào là lúc cổ phiếu CTD chạm đáy 42.950 đồng/cổ phiếu. Kể từ phiên giao dịch 21/6 tới nay, CTD đã có 6 phiên tăng liên tiếp.

Mỗi khi giá cổ phiếu lao dốc mạnh, việc doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu thường tạo cho nhà đầu tư tâm lý tin tưởng rằng cổ phiếu đó đã về vùng giá rẻ so với giá trị thực của doanh nghiệp, bởi lãnh đạo doanh nghiệp là người hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của doanh nghiệp. Nhờ vậy, các cổ phiếu thường sẽ có phản ứng tích cực ngắn hạn với thông tin cổ đông lớn, người nội bộ mua vào.

Cổ phiếu ADG (của Công ty cổ phần Clever Group) cũng có 4 phiên tăng mạnh liên tiếp kể từ ngày 22/6/2022, sau khi ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu trong thời gian từ ngày 28/6 - 27/7/2022 với lý do “giá rẻ nên mua thêm”.

Cần nhìn vào nội tại của doanh nghiệp

Cùng với động thái gia tăng sở hữu của người nội bộ, nhiều doanh nghiệp công bố những thông tin tích cực về hoạt động của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn cho biết, quý I vừa qua, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 518,9 tỷ đồng, tăng 3,78% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 87 tỷ đồng, tăng 55,5% so với cùng kỳ.

DIC Group vẫn đang triển khai các hoạt động kinh doanh theo kế hoạch để đạt mục tiêu quý II tăng trưởng so với cùng kỳ.

Hiện Dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh cơ bản hoàn thành để mở bán đợt 1 trong tháng 7/2022, đẩy mạnh triển khai Dự án Khu phức hợp CSJ giai đoạn 2 và triển khai, hoàn thiện các thủ tục pháp lý mở bán Dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Khu nhà ở Lam Hạ - Hà Nam trong quý III/2022. Đồng thời, Công ty tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý, hồ sơ chuyển nhượng M&A cho nhà đầu tư cấp hai tại dự án Đại Phước, giữ nguyên chỉ tiêu về lợi nhuận năm 2022 là 1.900 tỷ đồng.

ADG cũng vừa công bố kế hoạch kinh doanh được thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 25/6 vừa qua. Năm nay, ADG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 670 tỷ đồng tăng trưởng 15% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 54 tỷ đồng, tăng trưởng 46%.

Trong khi đó, HBC liên tiếp phát đi các thông tin về ký kết hợp đồng hợp tác với các đối tác chiến lược. Cụ thể, Tập đoàn Hoà Bình ký kết hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Secoin - nhà sản xuất gạch ngói nghệ thuật hàng đầu Đông Nam Á và Tập đoàn LIXIL – nhà sản xuất hàng đầu Nhật Bản về gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, bình nước nóng, vật liệu xây dựng…

Thị trường điều chỉnh mạnh đã đưa nhiều cổ phiếu về vùng định giá thấp trong lịch sử và theo ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt lại đang có định giá thấp sẽ là cơ hội tốt để đầu tư. Việc mua theo lãnh đạo khi cổ phiếu giảm sâu mà doanh nghiệp đó đang có đà tăng trưởng tốt cũng là một chiến lược đầu tư tốt.

Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần nhìn vào hoạt động của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. Trong đó, nhà đầu tư cần chú ý vào ba yếu tố, đó là tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp, khả năng đạt kế hoạch kinh doanh và quản trị doanh nghiệp để đưa ra quyết định cho mình.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục