Động thái bán cổ phiếu quỹ
Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) vừa hoàn thành việc bán ra toàn bộ 8,26 triệu cổ phiếu quỹ với giá trung bình 21.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 98,6% so với giai đoạn mua cổ phiếu quỹ tháng 4/2020, chênh lệch tăng 88,97 tỷ đồng, tức mang lại thặng dư vốn gần 89 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác dự kiến sẽ ghi nhận thặng dư vốn từ chênh lệch do mua bán cổ phiếu quỹ. Chẳng hạn, Công ty cổ phần FECON (FCN) đã thông qua nghị quyết bán ra 1,5 triệu cổ phiếu, trong khi giá thị trường ngày 15/12 cao hơn 29,4% so với giá mua cổ phiếu quỹ trung bình. Đây là lượng cổ phiếu quỹ mà doanh nghiệp mua nhằm bình ổn giá trong tháng 5/2020.
Tương tự, Công ty cổ phần GTNFoods (GTN) đã thông qua nghị quyết bán ra 1 triệu cổ phiếu quỹ, giá thị trường đang cao hơn 95% giá mua trong giai đoạn tháng 4 và đầu tháng 5/2020.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) cho biết, Công ty có ý định bán ra toàn bộ 310.099 cổ phiếu quỹ, giá thị trường ngày 15/12 cao hơn giá mua 192,6%. Đây là lượng cổ phiếu quỹ mà VNM mua vào trong nhiều năm qua, giá cổ phiếu VNM gần đây tăng chạm đỉnh năm 2019 đã thôi thúc doanh nghiệp bán ra cổ phiếu quỹ.
Cổ đông nội bộ bán ra
Bên cạnh những doanh nghiệp bán ra cổ phiếu quỹ, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khác đăng ký bán ra khi thấy giá cổ phiếu chạm đỉnh 1 - 2 năm.
Cụ thể, giá cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) tăng 85,5% từ cuối tháng 3 tới nay.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu MWG tiếp cận vùng đỉnh năm 2019, một loạt lãnh đạo doanh nghiệp này đã bán ra cổ phiếu: bà Phạn Thị Thu Hiền, vợ ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị bán ra 500.000 cổ phiếu ngày 10/12; ông Trần Huy Thành Tùng, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ bán ra hơn 3 triệu cổ phiếu ngày 11/11; ông Đặng Minh Lượm, Giám đốc Nhân sự bán ra 100.000 cổ phiếu ngày 2/12; bà Lý Trần Kim Ngân, Kế toán trưởng bán ra 30.000 cổ phiếu ngày 26/10.
Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư Vietnam Co-Investment Fund bán ra toàn bộ 889.710 cổ phiếu MWG ngày 14/10.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), kể từ giữa tháng 3/2020 tới nay, giá cổ phiếu HSG đã tăng 320% từ vùng đáy 5.000 đồng/cổ phiếu lên 20.900 đồng/cổ phiếu ngày 15/12. Chứng kiến đà tăng giá mạnh, nhiều cổ đông lớn, cổ đông nội bộ đã và đang có động thái bán ra.
Trong đó, ông Lê Đình Hạnh, thành viên Ban kiểm soát bán ra 85.000 cổ phiếu HSG ngày 10/6; bà Hoàng Thị Xuân Hương, em ông Hoàng Đức Huy, Phó tổng giám đốc HSG bán ra toàn bộ 357.500 cổ phiếu ngày 3/9;
Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, đơn vị liên quan tới ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HSG bán ra 15 triệu cổ phiếu ngày 9/6, bán ra 20 triệu cổ phiếu ngày 17/7, bán ra 30 triệu cổ phiếu ngày 1/12 và đang đăng ký bán toàn bộ 43,1 triệu cổ phiếu từ ngày 4/12/2020 đến 2/1/2021.
Cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HPG) hiện có mức giá gấp gần 3 lần so với cuối tháng 3/2020 (giá đã điều chỉnh cổ tức).
Giá cổ phiếu liên tiếp lập đỉnh mới kể từ khi niêm yết năm 2007 tới nay nên không ít lãnh đạo HPG đã và đang đăng ký bán ra: ông Tạ Tuấn Quang, thành viên Hội đồng quản trị đã bán 900.000 cổ phiếu ngày 28/10; ông Doãn Gia Cường, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị đã bán 24 triệu cổ phiếu ngày 30/11; ông Nguyễn Ngọc Quang, thành viên Hội đồng quản trị đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu từ 10/12/2020 đến 8/1/2021.
Trước đó, trong giai đoạn tháng 3 - 5/2020, khi giá cổ phiếu HPG ở mức thấp, ông Tạ Tuấn Quang đã mua 586.000 cổ phiếu ngày 6/5; ông Trần Vũ Minh, con ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG mua vào 2 lần, ngày 23/3 và 21/4, mỗi lần 20 triệu đơn vị.
Cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim cũng tăng giá mạnh, hiện đạt gần 15.000 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 3 lần so với cuối tháng 3.
Trong xu hướng tăng giá, một số quỹ đầu tư và lãnh đạo NKG đã bán ra cổ phiếu: ông Quảng Trọng Lăng, Phó tổng giám đốc NKG bán 200.000 cổ phiếu ngày 11/8; cổ đông lớn Nguyễn Thị Nhân bán ra 237.790 cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu giảm còn 4,93%; Quỹ Kim Vietnam Growth Equity Fund bán ra tổng cộng gần 2,6 triệu cổ phiếu từ ngày 4/8 đến 25/12.
Thị trường có thể bị ảnh hưởng
Năm 2020, thị trường chứng khoán tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho nhà đầu tư khi tháng 3 là giai đoạn bán tháo trên diện rộng, sau đó hàng loạt doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu trong tháng 4 - 5, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Với diễn biến giá cổ phiếu tăng mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cổ phiếu để thực hiện hoá lợi nhuận, còn doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ sẽ gia tăng lượng tiền mặt, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Từ đó đến nay, chỉ số VN-Index có chuỗi tăng điểm kéo dài, bởi dịch bệnh được Chính phủ kiểm soát tốt, trong khi các gói kích thích tiền tệ, tài khoá giúp bổ sung dòng tiền cho thị trường.
Tính tới ngày 18/12, VN-Index đạt 1.067,4 điểm, cao nhất kể từ tháng 5/2018. Với diễn biến giá cổ phiếu tăng mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cổ phiếu để thực hiện hoá lợi nhuận là điều dễ hiểu, còn doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ sẽ gia tăng lượng tiền mặt, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng điểm, thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia, dòng tiền liên tục được bổ sung giúp thanh khoản tăng cao, thì động thái bán ra cổ phiếu nêu trên có ảnh hưởng không đáng kể tới thị trường.
Tuy nhiên, nếu động thái này tiếp diễn và gia tăng quy mô, một lượng tiền không nhỏ sẽ bị rút ra khỏi sàn chứng khoán, qua đó ảnh hưởng đến thanh khoản cũng như tâm lý nhà đầu tư. Mặt khác, lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cổ phiếu có thể là dấu hiệu cho thấy thị giá đang cao hơn giá trị nội tại.
Chính vì vậy, thị trường chứng khoán dù vẫn có triển vọng khả quan, nhưng nhà đầu tư cũng nên thận trọng với các cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp bán ra, cũng như các cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó để hạn chế rủi ro, nhất là trong trường hợp thị trường điều chỉnh.