Bất chấp những thách thức, áp lực có thể đến với các nước thành viên khi TPP đi vào thực thi, các tổ chức kinh tế quốc tế nhìn chung đều đưa ra những nhận định tích cực về hiệp định mang tầm thế kỷ này.
"Ðây là bước tiến quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu, trong một thế giới không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau. Là một ngân hàng luôn ủng hộ thương mại, chúng tôi chào đón Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương", Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải nói.
Việt Nam, theo nhận định của ông Hải, sẽ hưởng lợi lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Nghiên cứu của HSBC cũng chỉ ra rằng TPP có khả năng tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam thêm 10% vào năm 2020.
"Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng và đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn", ông Hải nhấn mạnh.
Đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư quốc tế, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam - ông Adam Sitkof cho hay, TPP hoàn tất là điểm đáng mừng cho các công ty Mỹ và Việt Nam nói chung và nhà đầu tư, công nhân, nông dân và người tiêu dùng nói riêng.
"TPP là hiệp định cực kỳ quan trọng với các mối quan hệ kinh tế song phương nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng. TPP sẽ thay đổi môi trường kinh doanh Việt Nam, cung cấp những cơ hội mới để giúp Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa", vị này nhấn mạnh.
Ngày 5/10, Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam tuyên bố kết thúc thành công quá trình đàm phán để đi đến một thoả thuận mang tính lịch sử, có tác động tới 40% GDP toàn cầu. Tham gia họp báo cùng bộ trưởng 11 nước TPP, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định Việt Nam thuộc nhóm nước kém phát triển nhất trong nhóm, nhưng tự tin có thể vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các nghĩa vụ cũng như quyền lợi. "Chúng tôi quyết định gia nhập đàm phán RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực), và Việt Nam sẽ theo đúng cách thức đã làm như với các nước TPP", ông nhấn mạnh.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nhận định đây là hiệp định của thế kỷ 21, với các tiêu chuẩn ở đẳng cấp cao, đầy tham vọng, toàn diện và cân bằng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo mới và duy trì công ăn việc làm, tăng cường đổi mới và nâng cao năng suất cũng như năng lực cạnh tranh. Thỏa thuận này cũng cho phép khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực trọng điểm, kích thích cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và giúp xây dựng hạ tầng chuỗi cung ứng, tạo cơ hội đáng kể cho doanh nghiệp, từ đó tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
"TPP là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là mở cửa thương mại và hội nhập trong toàn khu vực", thông cáo của USTR viết.
Ông Sudhir Shetty - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho hay TPP sẽ giúp các quốc gia tiếp cận thị trường mà trước đây chưa tiếp cận được, tạo ra cú hích cho thương mại đầu tư. "TPP bao gồm một nhóm các nước lớn có trọng lực kinh tế. Khi các rào cản được xóa bỏ, dòng chảy thương mại sẽ tăng lên mạnh mẽ", ông cho hay.
Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde.
Trong một thông cáo mới phát đi, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá thỏa thuận đạt được giữa các nước đang tham gia TPP là một bước phát triển rất tích cực.
"Thỏa thuận này không chỉ quan trọng vì quy mô của nó, khi các nước ký kết chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, mà còn thúc đẩy phạm vi thương mại và đầu tư hàng hóa, dịch vụ sang những khu vực mới, nơi có lợi ích đáng kể", bà nói.
Bà cho hay IMF sẽ xem xét lại tất cả các chi tiết trước khi đưa ra một đánh giá toàn diện. "Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng TPP có thể mở đường cho một loạt nỗ lực hội nhập thương mại sâu rộng. Tôi khuyến khích các quốc gia khác tái nỗ lực để hoàn thành các cuộc đàm phán đang diễn ra và cộng đồng quốc tế nói chung tái tham gia vào các sáng kiến thương mại đa phương nhằm đảm bảo một hệ thống thương mại toàn cầu gắn kết".