Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành chỉ thị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh, tình trạng thiếu xăng dầu không chỉ dừng lại ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam mà đã lan rộng tới nhiều quận, huyện ở Hà Nội. Trong gần 1 tuần qua, nhiều cây xăng ở Hà Nội đã tạm ngưng bán hàng hoặc bán cầm chừng, người dân phải xếp hàng cả tiếng để mua xăng, gây bức xúc và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Theo đó, chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước chủ trì, phối hợp với Sở Công thương kiểm tra làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng bán xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào.
"Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên gây nhiều ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu trên thị trường trong nước. Việc này đã gây hiện tượng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm dừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, tạo ra ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp", Chỉ thị nêu.
Theo đó, Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường yêu cầu các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động theo đúng nội dung giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Bộ trưởng Công thương yêu cầu các đơn vị quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định với hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai..
Riêng đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm dừng hoạt động, quản lý thị trường phối hợp với Sở Công thương kiểm tra, làm rõ lý do tạm ngưng, xử lý nghiêm theo quy định, kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm.
Sáng 05/11, trong phiên trả lời chất vấn lĩnh vực thanh tra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo và trong kỳ điều hành 11/11 tới đây, những chi phí phát sinh trong giá cơ sở xăng dầu sẽ được cập nhật.
Cụ thể, chiều 04/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công thương, và cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ Công thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính.
Dù vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng hệ thống kinh doanh xăng dầu cũng đang qua nhiều tầng, nấc như thế này sẽ rất rối trong những tình huống thị trường biến động, bất thường. Chính vì vậy, thời gian tới cần có sự sắp xếp lại hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến các thương nhân phân phối và các tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Liên quan đến ý kiến đại biểu về thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu làm sao để chỉ đạo sát hơn với tình hình thực tế và diễn biến thị trường thế giới.
"Nếu 10 ngày không phù hợp thì phải rút xuống 5 ngày, thậm chí là hàng ngày. Bộ sẽ lấy ý kiến rộng rãi nếu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số đối tượng chịu sự tác động, sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ trưởng cho biết thêm.