Đó là nhận định chung được đưa ra tại Hội nghị điều phối Tăng trưởng xanh - Báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh ở Việt Nam (2012-2016) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Việt Nam đã tham gia Thoả thuận Paris được thông qua tại COP21 tháng 11 năm 2015 với các cam kết trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs).
TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh bao gồm 12 nhóm hoạt động với 66 nhiệm vụ cụ thể để giải quyết những vấn đề trọng tâm bao gồm Sắp xếp thể chế; Rà soát các Quy hoạch tổng thể; Chuyển giao công nghệ; Xúc tiến thương mại phát triển doanh nghiệp và Thu xếp tài chính. Trong đó, Kế hoạch hành động cấp ngành và cấp tỉnh để giảm phát thải, bao gồm các kịch bản giảm phát thải và các dự án ưu tiên.
Theo kế hoạch này, hiện đã có 6 Bộ đã xây dựng Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh và các Bộ khác đang trong quá trình hoàn thiện; 15 tỉnh và thành phố đã thông qua Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, 20 tỉnh và thành phố khác đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh này cũng nhận được tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dưới sự điều phối của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với các phương pháp tiếp cận thực hiện đa dạng. Những dự án theo Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại các tỉnh, Bộ ngành, trong đó đã xuất hiện một số điển hình tốt để giới thiệu và nhân rộng.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ này cho thấy các Bộ ngành và địa phương cùng các doanh nghiệp đã và đang rất tích cực triển khai thực hiện và bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.
“Nhiều Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và đang triển khai trên các mặt như huy động nguồn lực, tăng cường thể chế chính sách, tăng cường năng lực và đổi mới công nghệ. Quan trọng hơn là nhiều hoạt động cụ thể đã được triển khai và đem lại kết quả đáng khích lệ cũng như bài học quý giá. Tháng 10/2016, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris và NDC của Việt Nam. Những nỗ lực này góp phần cụ thể hóa hành động của Việt Nam hướng tới mục tiêu đề ra tại Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.
Để Kế hoạch hành động tiếp tục được triển khai một cách tích cực và phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu đặt ra trong dài hạn, bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP đề xuất, Chính phủ nên đưa ra chính sách và cam kết dài hạn giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, cải cách giá năng lượng, cơ chế khuyến khích đầu tư, và thay đổi cách thức quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Cũng theo bà Louise Chamberlain, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư là hết sức cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng phát triển xanh. Tập trung đầu tư và nâng hiệu quả trong các ngành trọng điểm như sản xuất điện từ than, xây dựng, giao thông vận tải, các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất xi măng, phân bón, bột giấy và giấy là các ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng, có thể áp dụng công nghệ tiên tiến giảm phát thải khí nhà kính, sẽ giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ.
Ông Craig Hart, Phó Giám đốc USAID Việt Nam cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của các nguồn vốn trong nước.
“Huy động được các nguồn lực quốc tế là rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần phải xem xét việc nâng cao hiệu quả các cơ chế tài trợ trong nước. Một ví dụ là việc thanh toán cho các dịch vụ môi trường rừng (PFES) đã mang lại khoản doanh thu cho Việt Nam khoảng 60 triệu USD/năm. Năm ngoái, lần đầu tiên gần 20.000 người dân nông thôn đã nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bên cạnh đó công tác bảo vệ rừng được đảm bảo”, ông Craig Hart nói.