Nhiều bất cập trong thi hành phán quyết trọng tài

(ĐTCK) Sử dụng trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại đang dần trở nên phổ biến, nhưng việc thi hành phán quyết trọng tài còn nhiều bất cập.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Cuối tháng 5/2020, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã khiếu nại về thẩm quyền trọng tài trong vụ kiện với nhóm nhà thầu gồm CTCP Thiết kế công nghiệp hóa chất (CECO), CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng Incodemic, CTCP Thương mại và dịch vụ Nga Sơn liên quan đến dự án Khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào.

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2019, Vinachem còn khoản phải trả trước cho bên bán giá trị 294,8 tỷ đồng tại Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt - Lào (Vinachemsalt, do Vinachem nắm giữ 100% vốn điều lệ), trong đó phần của CECO là 208,8 tỷ đồng.

Mặc dù tòa án không chấp nhận đơn khiếu nại của Vinachem vì các bên có thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận không bị vô hiệu, nhưng điều này cũng cho thấy phán quyết trọng tài có thể không được công nhận.

Về vấn đề này, luật sư Tưởng Duy Lượng, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC), nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, phán quyết trọng tài được coi là chung thẩm và có hiệu lực thi hành án ngay khi ban hành.

Tuy nhiên, một phán quyết trọng tài nước ngoài còn phải thông qua thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2008-2014, tỷ lệ không công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam là 46%, những năm gần đây giảm về mức 30-33% (thống kê tại tòa án TP. Hà Nội và TP.HCM).

Cũng theo luật sư Lượng, chỉ những phán quyết của trọng tài nước ngoài mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế, hoặc nếu không thuộc trường hợp trên thì phải trên cơ sở nguyên tắc “có đi có lại” thì mới được công nhận. Thời hạn gửi đơn yêu cầu là 3 năm kể từ ngày phán quyết có hiệu lực.

Thời hạn để tòa án xét đơn là 2 tháng, nếu kéo dài không qua 4 tháng. Thời gian xét đơn theo thủ tục sơ thẩm từ 2-4 tháng, phúc thẩm 1-3 tháng, nhưng thực tế có thể kéo dài đến 11 tháng.

Căn cứ từ chối phán quyết phổ biến nhất là tòa án xem xét về thủ tục giải quyết, hoặc các bên không có năng lực ký kết, hoặc phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.   

Các căn cứ bị từ chối phổ biến nhất là tòa án xem xét về việc gửi thông báo, giấy tờ tài liệu, giấy triệu tập, thông báo chỉ định trọng tài viên, về thủ tục giải quyết, hoặc các bên không có năng lực ký kết, hoặc phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

“Tuy nhiên, có doanh nghiệp nhận được giấy triệu tập nhưng không phản hồi, không cung cấp tài liệu, không tham gia phiên tòa/phiên họp, hoặc thay đổi địa chỉ nhưng không thông báo cho bên kia. Doanh nghiệp vắng mặt sẽ mất quyền lợi và phần lớn là thua thiệt”, luật sư Lượng nói.

Trả lời thắc mắc về phán quyết trọng tài có giá trị như bản án hay không, xác nhận của tòa án có phải là điều kiện bắt buộc để thi hành án hay không, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ IV (Tổng cục Thi hành án dân sự) cho biết, hiện nay, trình tự thủ tục không đặt ra vấn đề này nên cách hiểu trọng tài hay bản án có giá trị hơn là không có căn cứ.

Điểm 3, Khoản 1, Điều 2 - Luật Thi hành án dân sự quy định: “Những bản án, quyết định được thi hành tại luật này, trong đó có phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại”.

Tuy nhiên, thực tế thi hành phán quyết trọng tài còn tồn tại nhiềut bất cập như không ghi rõ địa chỉ nên khó tống đạt thông báo, quyết định; nhiều hợp đồng vay dạng tín chấp không còn tài sản đảm bảo; cơ quan thi hành án còn phải chờ xác nhận của tòa án với đơn yêu cầu của bên được thi hành...

Nhiều vụ việc không thi hành được vì không có tài sản, phán quyết trọng tài ít áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành án. Đáng chú ý, có trường hợp còn tìm cách né tránh không chấp nhận phán quyết và không thi hành.

Doanh nghiệp có người đại diện pháp luật nước ngoài, về nước không trở lại, doanh nghiệp không còn hoạt động, không có tài sản.

Doanh nghiệp có trụ sở nước ngoài được ủy thác tư pháp mất nhiều thời gian, việc xác định địa chỉ ở nước ngoài gặp khó khăn..

“Còn có hiện tượng bên phải thi hành lợi dụng yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại tòa án để có thời gian tẩu tán tài sản. Một số phán quyết tuyên chưa cụ thể, rõ ràng cũng gây khó khăn cho cơ quan thi hành”, bà Hà thông tin thêm.

Ngoài những yếu tố trên, bất cập còn xuất phát từ thể chế. Đơn cử, Luật Trọng tài thương mại 2020 chỉ quy định bên được thi hành phán quyết có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành có nguyện vọng thì pháp luật chưa có quy định cụ thể.

Theo quy định, trong 1 năm, bên yêu cầu phải có đơn đăng ký gửi tòa án, nhiều trường hợp các đương sự không nhận được yêu cầu từ tòa án dẫn đến hồ sơ bị chậm hoặc không được chấp nhận, trong khi Luật chưa quy định thời hiệu thi hành án là ngày ra phán quyết hay khi phán quyết được đăng ký.

“Thẩm quyền thi hành án là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi hội đồng trọng tài ra phán quyết. Nhưng trên thực tế, các trung tâm trọng tài chủ yếu đặt tại TP.HCM và Hà Nội, nếu doanh nghiệp không có trụ sở tại đây thì mất thêm thời gian chờ ủy thác tư pháp”, bà Hà nói.  

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục