Công ty cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang (viết tắt là ESG) vướng vào một vụ kiện pháp lý với đối tác nước ngoài là Công ty Bfouress Private Liauted (viết tắt là BPL) về khoản tiền 10% hợp đồng mua bán. Vụ việc đã được Hội đồng Trọng tài quốc tế tại Việt Nam - VIAC giải quyết. Không chấp nhận kết quả bất lợi, ESG đã làm đơn lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đề nghị hủy phán quyết trên. Tuy nhiên, những căn cứ pháp lý doanh nghiệp đưa ra không có cơ sở.
Theo nội dung vụ việc, năm 2012, ESG và BPL ký hợp đồng mua thiết bị cho nhà máy Sông Giang trị giá hơn 12 triệu USD. Trong quá trình thực hiện, các bên có điều chỉnh bằng các phụ lục hợp đồng. ESG đã thanh toán 90% giá trị lô hàng, BPL bàn giao toàn bộ hàng hóa cho EST. Năm 2014, đối tác yêu cầu bên mua là ESG phải thanh toán trước số tiền 10% còn lại. ESG không đồng ý vì cho rằng, điều này là trái với các nguyên tắc trong hợp đồng, đẩy rủi ro cho bên mua như không cung cấp phần mềm liên quan đến tổ máy, chưa lắp đặt các thiết bị còn lại, chưa cử kỹ sư, chuyên gia đến lắp đặt, chạy thử máy…
ESG cho biết, đối tác ngoại chưa hoàn tất các nghĩa vụ nhưng vẫn yêu cầu thanh toán khoản tiền 10% còn lại. Năm 2018, BPL khởi kiện vụ việc ra VIAC. Hội đồng trọng tài ra phán quyết buộc ESG phải thanh toán 5% giá trị hợp đồng. ESG không đồng ý, đề nghị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội hủy phán quyết trên vì cho rằng quyền lợi bị ảnh hưởng.
Theo ESG, phán quyết trên bị vô hiệu do người đại diện BPL ký hợp đồng không có thẩm quyền, không có văn bản ủy quyền hợp pháp. Mặt khác, điều khoản trọng tài còn mơ hồ. Bản hợp đồng kinh tế có sự sai khác về bản tiếng Anh và tiếng Việt.
Trong đó, điều khoản trọng tài ghi rõ, khi có tranh chấp thì sử dụng bản tiếng Anh. Bản tiếng Anh thể hiện: “Bất cứ khi nào có tranh chấp thì sẽ được giải quyết tại trung tâm trọng tài quốc tế gần phòng thương mại và công nghiệp Phillipines”. Theo ESG, ở Việt Nam không có trung tâm trọng tài nào như vậy.
ESG còn cho rằng, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp khi BPL thay đổi trọng tài viên. Lý do người chỉ định trọng tài viên không phải là người đại diện theo pháp luật công ty hoặc đại diện theo ủy quyền. Cụ thể, giám đốc điều hành của BPL được ủy quyền giải quyết liên quan đến tranh chấp theo hợp đồng.
Theo bản trích biên bản họp HÐQT của BPL thì giám đốc điều hành có 2 lựa chọn là tự mình hoặc ủy quyền cho một công ty luật tham gia. Hồ sơ thể hiện, giám đốc điều hành BPL ủy quyền cho một cá nhân luật sư lựa chọn trọng tài viên là không đúng phạm vi ủy quyền. ESG cũng nghi ngờ về tính pháp lý của biên bản họp HÐQT của BPL.
Tuy nhiên, Hội đồng xét đơn cho rằng, ESG không chứng minh được BPL sử dụng chứng cứ giả mạo. Do đó, không chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Theo Luật Trọng tài thương mại 2010, một phán quyết trọng tài chỉ bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; thành phần hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của luật này; vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài; phán quyết vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hoặc chứng cứ các bên cung cấp là giả mạo (Ðiều 68).
Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật Trọng tài thương mại hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án.