Nhiều băn khoăn về việc đầu tư 8.168 tỷ đồng mở rộng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính đánh giá kiến nghị mua lại Dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình để mở rộng lên quy mô 6 làn xe, theo phương thức PPP là chưa có cơ sở.
Một đoạn tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình 2 làn xe hiện hữu. Một đoạn tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình 2 làn xe hiện hữu.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 11026/BTC –ĐT gửi Văn phòng Chính phủ về việc giao địa phương đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP có sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, Dự án giai đoạn I không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương mà thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT được khai thác, vận hành từ tháng 10/2018.

Do đó, UBND tỉnh Hoà Bình đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển cho địa phương là Cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án giai đoạn I để tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất về đầu mối Cơ quan có thẩm quyền khi triển khai Dự án mở rộng.

Việc chuyển Cơ quan có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Hoà Bình sẽ phải điều chỉnh lại chủ thể hợp đồng BOT Dự án giai đoạn I ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư. Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 (Luật PPP), việc sửa đổi hợp đồng dự án PPP phải quy định trong hợp đồng và được các bên xem xét trong trường hợp điều chỉnh một trong các bên ký kết hợp đồng.

“Vì vậy, đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với nhà đầu tư và các bên có liên quan căn cứ các quy định tại hợp đồng dự án và quy định tại Luật PPP, có ý kiến cụ thể về phương án đề xuất giao UBND tỉnh Hoà Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án giai đoạn I đảm bảo hiệu quả, hài hoà lợi ích các bên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Về kiến nghị cơ chế mua lại phần vốn BOT Dự án giai đoạn I, Bộ Tài chính cho rằng Dự án giai đoạn I đang được Nnà đầu tư vận hành, khai thác theo hợp đồng đã ký, đồng thời nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Hoà Bình chưa làm rõ cơ sở pháp lý, tính khả thi về nguồn vốn khi thực hiện phương án mua lại phần vốn BOT Dự án giai đoạn I. Do đó, không có cơ sở pháp lý để xem xét đối với đề xuất nêu trên của UBND tỉnh Hoà Bình.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Tờ trình số 163/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc giao địa phương đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, tại Danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội thông qua, Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình không nằm trong danh mục dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ GTVT quản lý. Do đó, việc sử dụng vốn ngân sách Trung ương giao Bộ GTVT quản lý để tham gia thực hiện dự án PPP là không khả thi.

Trong khi đó, với tầm quan trọng và tính cấp thiết của Dự án, UBND tỉnh Hòa Bình dự kiến sử dụng nguồn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện công trình.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 38, Luật Ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương chỉ đầu tư cho các dự án do địa phương quản lý. Ngoài ra, cũng theo quy định tại khoản 9, Điều 9 của Luật này, nguyên tắc quản lý nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách là không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác.

Bên cạnh đó, hiện tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc Dự án BOT đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình hiện được Thủ tướng giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền quản lý, do đó không sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư, mở rộng dự án được.

Với những lý do nói trên, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình nhằm tạo điều kiện tỉnh Hòa Bình có căn cứ mua lại Dự án để tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, phương án thực hiện dự án PPP sử dụng ngân sách nhà nước với tỷ lệ tối đa 50% sẽ gây áp lực lên phương án tài chính của nhà đầu tư, kéo dài thời gian thu phí, làm tăng tổng mức đầu tư (do tăng chi phí huy động vốn của nhà đầu tư) và làm giảm tính khả thi của dự án.

Do đó, sau khi được Quốc hội thông qua các cơ chế đặc thù cho đầu tư hệ thống đường cao tốc, UBND tỉnh Hòa Bình muốn Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù được sử dụng phần vốn góp từ ngân sách nhà nước chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án (tối đa 70%) nhằm tăng tính khả thi của phương án tài chính, đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình, Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có dài toàn tuyến khoảng 23,4km, trong đó đoạn đi qua địa phận thành phố Hà Nội dài khoảng 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 16,67km.

Dự án sẽ mở rộng tuyến đường hiện hữu từ 2 làn xe với 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe - mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai), với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m - 110m.

Tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 8.168,544 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay là 392,248 tỷ đồng); phần vốn thực hiện của nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP là 3.888, 148 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay); phần vốn thực hiện dự án từ ngân sách nhà nước là 3.888.148 tỷ đồng.

Thời gian thu hồi vốn của Dự án dự kiến khoảng 24 năm, thời gian thực hiện đầu tư xây dựng là từ năm 2022 – 2027.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục