Nhẹ nỗi lo giải chấp

(ĐTCK) Sau phiên bán tháo ngày 8/5/2014, thị trường đã phục hồi vào phiên 9/5, góp phần trấn an nhà đầu tư đại chúng và làm nhẹ đi áp lực giải chấp tại nhiều CTCK.
Nếu không còn nhiều tin xấu, thị trường sẽ tạo lập mức cân bằng và đi lên Nếu không còn nhiều tin xấu, thị trường sẽ tạo lập mức cân bằng và đi lên
Đầu giờ sáng 9/5, nhiều CTCK yêu cầu khách hàng đóng thêm tiền nếu muốn giữ chứng khoán vì mức giá đã giảm về “cận biên” và nếu không đóng tiền kịp thời, CTCK buộc phải giải chấp. Tuy nhiên, cũng ngay trong phiên đó, khi thị trường có diễn biến tốt hơn, nhiều tài khoản đáng ra phải giải chấp đã được CTCK giữ “yên vị”, vì thế lượng cung hàng không còn quá mạnh như phiên trước đó. Với xu hướng đầu tư sử dụng nhiều tiền vay, áp lực giải chấp luôn tồn tại trên thị trường và áp lực này có thể tạo nên vòng xoáy giảm giá dữ dội nếu không được kiềm giữ. Tuy nhiên, việc TTCK bẻ ngoặt xu hướng vào phiên cuối tuần đã khiến các CTCK ngừng hành động giải chấp, theo đó, khối lượng giải chấp vẫn đang ngưng đọng trong thị trường.

Trước đây vài tuần, tại vùng 600 điểm, không ít CTCK cho khách hàng gia tăng hạn mức margin tại nhiều mã chứng khoán và hạn mức được vay với khách hàng, thậm chí margin ngay cả với các cổ phiếu không có trong danh mục được margin. Số lượng cổ phiếu sử dụng margin khi VN-Index ở vùng trên 600 điểm là lớn, có thể đến hàng chục nghìn tỷ đồng và vì thế, ai cũng hiểu là khó có thể “tiêu thụ” hết trong ngắn hạn, nên nỗi lo giải chấp vẫn sẽ âm ỉ trong lòng thị trường.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI) cho biết, áp lực giải chấp là nỗi lo thường trực trong suốt đợt giảm điểm vừa qua đối với nhà đầu tư. Đặc biệt, với phiên giảm điểm ngày 8/5, áp lực giải chấp đè nặng lên tất cả các CTCK. Tuy nhiên, phiên 9/5, sự hồi phục của thị trường giúp tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa. Áp lực bán giải chấp tại các CTCK cũng giảm đi đáng kể, nhờ nhiều mã chứng khoán tăng giá trở lại và nhiều mã giảm giá xuất hiện lực cầu tham gia bắt đáy.

Thông điệp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các chuyên gia đầu ngành được đưa ra ngày 8/5 và sáng ngày 9/5 là một yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý. Theo ông An, về cơ bản, phiên hồi phục tăng 15,37 điểm vào cuối tuần cho thấy, tâm lý nhà đầu tư phần nào bình tĩnh hơn trước các thông tin nhạy cảm.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược CTCK MB (MBS) cho rằng, thông thường, sau các đợt giảm quá đà như vậy, các đợt hồi phục ngắn tương ứng dễ diễn ra. “Nếu không còn nhiều tin xấu, thị trường sẽ tạo lập mức cân bằng tại đây và đi lên, nhưng khả năng bật tăng mạnh và kéo dài là khó”, ông Sơn nói.

Trên quan điểm đầu tư, xét theo các tiêu chí cơ bản và triển vọng DN, nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, thị trường giảm điểm là cơ hội để mua vào vì khi đó sẽ mua được cổ phiếu tốt với giá thấp. Ngay trong phiên ngày 8/5, CTCK lớn nhất thị trường là SSI công bố mua vào khá nhiều cổ phiếu, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng lên tiếng nói rằng, họ giao dịch bình thường, thị trường giảm là cơ hội tốt để mua thêm.

Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích, CTCK FPTS nhận định, thị trường trải qua chu kỳ giảm từ nhiều phiên gần đây, nên nhiều CTCK cũng điều chỉnh dần lượng margin trong các phiên trước, vì thế áp lực giải chấp cũng đỡ hơn. Theo ông Kiên, thị trường hiện tại đã rơi về vùng giá khá hợp lý cho nhà đầu tư trung và dài hạn, nên nhà đầu tư nên tranh thủ gom các mã cổ phiếu cơ bản tốt, đặc biệt là các cổ phiếu nhận được sự quan tâm của khối nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư lướt sóng thì khả năng thị trường tăng mạnh trong ngắn hạn không nhiều nên việc tham gia thị trường là khá rủi ro.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục