Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư, CTCK MayBank KimEng cho biết, thị trường giảm mạnh phiên thứ Hai sau kỳ nghỉ lễ một phần do áp lực giải chấp, một phần do hoạt động cắt lỗ phần, còn lại có thể đến từ lượng cung của dịch vụ bán khống (short sell) không chính thức xuất hiện trên thị trường. Về cơ bản, áp lực giải chấp và lực bán ngắn hạn khác diễn ra trong bối cảnh thanh khoản chung của toàn thị trường ở mức thấp đã ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá của những cổ phiếu bị bán ra, khiến nhiều NĐT lo ngại.
Theo ông Khánh, mức điều chỉnh giảm của cổ phiếu trong thời gian qua chưa đủ hấp dẫn để kéo dòng tiền quay trở lại. Trong khi đó, áp lực “buộc phải bán” (force sell) khi nhiều cổ phiếu giảm nhanh đã kích hoạt cho đợt bán cắt lỗ, khiến thị trường giảm điểm mạnh trong phiên vừa qua. Lực cầu bắt đáy chớm xuất hiện và có dư mua tại các vùng giá thấp, tuy nhiên thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy, dòng tiền lớn vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát.
Về xu hướng thị trường, ông Khánh nhận định, nhiều khả năng thị trường sẽ kiểm tra lại đáy cũ trong tháng 5 này, với kịch bản tạo vùng thấp nhất và sau đó phục hồi. Vùng hỗ trợ của VN-Index trong giai đoạn này khoảng 550 điểm, nhưng không loại trừ khả năng thị trường có thể có thêm một nhịp giảm nữa, trước khi thực sự hồi phục đi lên. Thị trường giảm là cơ hội để mua các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt với giá hợp lý, nhất là khi giá nhiều cổ phiếu đã giảm trên 20%.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MB (MBS) cho rằng, mức độ sử dụng margin của NĐT đã giảm mạnh so với thời điểm cách đây một tháng, trong đó nhiều NĐT chủ động giảm sử dụng đòn bẩy tài chính. Do đó, những tài khoản bị margin call và force sell trong thời gian gần đây là không nhiều, nhưng vẫn có ảnh hưởng đến thị trường do thanh khoản chung đang thấp.
Giai đoạn này, thị trường giao dịch trong vùng trống thông tin hỗ trợ, cùng với đó là diễn biến giảm điểm với thanh khoản thấp, khiến dòng tiền bị mắc kẹt, dòng tiền lớn chưa dám quay lại, làm cho lực cầu giảm sút mạnh.
Thực tế, thị trường ở trong xu hướng xuống từ cuối tháng 3, có diễn biến giảm mạnh trong tháng 4 đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. TTCK tiếp tục giảm khiến áp lực margin càng lớn, nhất là giai đoạn hiện nay khác xa với TTCK những năm trước. Trước năm 2008 rất ít margin, còn hiện nay, margin đủ mọi thể loại từ CTCK, ngân hàng, vay mượn lẫn nhau… nên TTCK sụt giảm khiến hoạt động giải chấp diễn ra mạnh. Điều này khiến thị trường trong ngắn hạn chưa thể quay trở lại xu hướng tăng như mong mỏi của các NĐT. Bên cạnh đó, tâm lý của NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân sẽ rất xấu, vì thực tế cho thấy, khi thị trường ở vùng đỉnh, nhiều NĐT lớn bán ra, còn nhiều NĐT nhỏ lẻ lại mua vào. Trong khi đó, NĐT cá nhân cũng là nhóm dùng margin cao, vốn ít thì sự chịu đựng thấp nên áp lực giải chấp càng lớn.
Việc giải chấp, theo quan sát của ông Sơn chỉ mới bắt đầu, nhưng tốc độ khá mạnh. Tuy nhiên, tin tốt là có lực hấp thụ của thị trường, dòng tiền lớn bắt đầu mua trở lại. Mặc dù vậy, thị trường trong ngắn hạn vẫn còn xấu, vì dòng tiền này chỉ mua chứng khoán ở vùng giá thấp và ở những phiên thị trường giảm mạnh, còn những phiên “xanh” thì không tham gia.
“Ước đoán, số lượng cổ phiếu sử dụng margin khi VN-Index ở vùng trên 600 điểm vẫn còn nhiều nên số lượng cổ phiếu này khó thể tiêu thụ hết trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, dòng tiền lớn quay lại, dù ở mức giá thấp, được kỳ vọng sẽ cản thị trường giảm sâu”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, áp lực giải chấp mạnh khiến tin tốt cũng khó hỗ trợ được thị trường trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, nắm bắt tâm lý này nên dòng tiền lớn chưa vội gom cổ phiếu, mà chỉ mua ở những vùng giá thấp, trong khi số lượng chứng khoán “mắc kẹt” ở những vùng giá cao (khi VN-Index trên 600 điểm) vẫn còn lớn sẽ là áp lực lớn cho TTCK.