Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, đã chi 9.788,5 tỷ JPY (62,25 tỷ USD) để can thiệp tiền tệ từ ngày 26/4 đến ngày 29/5. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản thực hiện một biện pháp thị trường như vậy kể từ tháng 10/2022.
Daisaku Ueno, chiến lược gia trưởng ngoại hối tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết: “Con số này lớn hơn dự kiến, nhấn mạnh quyết tâm của Nhật Bản trong việc giảm bớt thiệt hại do lạm phát nhập khẩu”.
Dòng thời gian của động thái này của chính phủ trùng hợp với sự phục hồi mạnh mẽ của đồng yên trong những tuần gần đây, sau khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm là 160,03 JPY/USD vào ngày 29/4. Đồng yên sau đó đã hồi phục lên mức 156 JPY/USD và làm dấy lên suy đoán về khả năng can thiệp của chính quyền Nhật Bản. Đồng yên tiếp tục mạnh lên hơn 2% trong vòng vài ngày.
Vào thời điểm đó, các nhà phân tích tại Bank of America Global Research ước tính quy mô của đợt can thiệp bị nghi ngờ đầu tiên có thể vào khoảng từ 5.000 - 6.000 tỷ JPY (32,7 - 39,2 tỷ USD).
Đồng yên đã gặp áp lực kể từ khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt chính sách tiền tệ lãi suất âm vào tháng 3. Phần lớn những khó khăn của đồng yên là do khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ và sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong khi BOJ dự kiến sẽ dành thời gian để tăng lãi suất trong năm nay.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ủng hộ sự cần thiết phải can thiệp nếu biến động tiền tệ mạnh bắt đầu tác động đến các hộ gia đình và công ty. Ông cũng từ chối bình luận vào thời điểm đó khi được hỏi liệu Bộ Tài chính có can thiệp để hỗ trợ đồng yên hay không.
“Khi có biến động quá mức, có thể cần phải giải quyết ổn thỏa”, ông cho biết.
Masafumi Yamamoto, chiến lược gia ngoại hối tại Mizuho Securities cho biết, mặc dù Nhật Bản chỉ đạt được thành công hạn chế trong việc ngăn chặn sự dao động mạnh của đồng yên, nhưng rất có khả năng nước này có thể hành động trở lại ngay cả khi đồng yên không vượt quá mốc 160 mỗi đô la.
“Nhật Bản chắc chắn phải giành được sự ủng hộ từ G7, trong đó có Mỹ để can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa…Nếu đồng yên có những biến động mạnh trong một ngày từ mức hiện tại lên mức 158 yên hoặc cao hơn, họ có thể sẽ hành động trở lại”, ông cho biết.
Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để ổn định tiền tệ là vào tháng 10/2022, khi đồng yên giảm xuống mức thấp khoảng 152 JPY/USD. Các nhà chức trách đã can thiệp ba lần trong năm đó để ổn định tiền tệ, và được cho là đã chi tới tổng cộng 9.200 tỷ JPY trong giai đoạn này.
Mặt khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhiều lần nói trong những tuần gần đây rằng can thiệp tiền tệ nên là một công cụ hiếm khi được sử dụng và các quan chức phải đưa ra cảnh báo công bằng khi họ sử dụng chúng. Bà cũng lưu ý hồi đầu tháng này rằng G7 đã đồng ý sẽ không điều chỉnh tỷ giá hối đoái trừ khi có sự biến động cực độ.
Nếu đồng yên tiếp tục suy yếu, áp lực có thể gia tăng buộc BOJ phải có nhiều hành động hơn để ngăn chặn sự suy yếu của đồng tiền này.