Nhật Bản, Hàn Quốc lao đao vì xung đột thương mại

(ĐTCK) Cách đây một tuần, Nhật Bản và Hàn Quốc thổi bùng lên căng thẳng thương mại giữa 2 quốc gia với hàng loạt động thái mạnh mẽ. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Một tuần sau đó, 2 nền kinh tế này tiếp tục chịu tổn thương vì một cuộc chiến khác - xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là việc đồng nhân dân tệ (NDT) rớt giá xuống mức thấp nhất so với USD kể từ năm 2008 tới nay.

Xuất phát từ vấn đề lao động cưỡng ép trong chiến tranh, xung đột giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã dẫn tới hàng loạt biến động đối với hoạt động thương mại giữa 2 quốc gia. Theo đó, 2/8, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các thị trường xuất khẩu đáng tin cậy, đồng nghĩa với việc các công ty Nhật Bản phải xin giấy phép nếu muốn bán hàng cho đối tác Hàn Quốc.

Trước đó, Tokyo đã hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao cần thiết cho việc sản xuất chip và màn hình điện thoại thông minh. Đòn này đã giáng mạnh vào hoạt động của các công ty công nghệ lớn hàng đầu Hàn Quốc và tạo nguy cơ đứt gãy trên thị trường sản phẩm công nghệ cao toàn cầu.

Trong bầu không khí căng thẳng này, những khó khăn với doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc lại tăng nhiệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo lên nấc thang mới.

Cụ thể, ngày 5/8, Trung Quốc cho phép NDT rơi xuống mức 1 USD đổi 7 NDT, mức thấp nhất kể từ năm 2008 cho tới nay, động thái được xem là để đáp trả hành động áp 10% thuế với gói hàng hóa trị giá 300 tỷ USD mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ 1/9. Vài giờ sau đó, Bộ Tài chính Mỹ gắn nhãn Trung Quốc là “thao túng tiền tệ” lần đầu tiên kể từ năm 1994.

Nhật Bản, Hàn Quốc lao đao vì xung đột thương mại ảnh 1

Diễn biến tỷ giá nhân dân tệ và USD.

Thực tế, giới chuyên gia chỉ ra rằng, trong 2,5 năm qua, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ sức mạnh NDT trước đà tăng mạnh của USD, thay vì hạ giá đồng tiền này như chỉ trích từ phía Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 giảm 1,3% và nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức chậm nhất trong 27 năm qua, việc để đồng NDT điều chỉnh là biện pháp cần thiết phải làm.

Tuy nhiên, diễn biến này vẫn là cơn ác mộng đối với các nền kinh tế châu Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc. Arthur Kroeber, chiến lược gia tại Gavekal Research nhận định: “Việc NDT giảm giá mạnh thể hiện đã không còn hy vọng với các cuộc đàm phán thương mại. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tệ đi sẽ trở thành yếu tố tiêu cực bậc nhất với tâm lý đầu tư và tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á”.

Đáng chú ý, diễn biến này xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc nền kinh tế giảm tốc và chiến tranh thương mại. Trong tháng 7, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm 16,3%. Hoạt động giao dịch xuyên biên giới lĩnh vực chất bán dẫn giảm hơn 28%.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc cũng đang xuống dốc, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ở mức 10,5% và lạm phát ở mức 0,6%. Rõ ràng, các biến động tỷ giá với NDT tiếp tục là cơn gió nghịch chiều với kinh tế Hàn Quốc.

Tình hình cũng không lấy làm lạc quan hơn với Nhật Bản, khi mức lương thực tế tại đây đã giảm trong 6 tháng liên tiếp tính tới tháng 6/2019. Nỗ lực kiềm chế đà tăng giá đồng yên của chính phủ Nhật Bản cũng không thành công khi giới đầu tư tìm tới đồng tiền này như nơi trú ẩn an toàn. Đồng yên đã tăng giá 3% kể từ đầu năm tới nay so với USD, khiến các khoản nợ ngày càng dày lên và hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Trên thị trường xuất hiện thông tin, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ neo giữ lại đồng yên (JPY). Nếu vậy, quốc gia này sẽ cùng Trung Quốc bước vào danh sách thao túng tiền tệ, điều không lấy làm dễ chịu với vị thế một trong những trung tâm tài chính - kinh tế hàng đầu thế giới.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục