Tuần này, Chính phủ Nhật Bản dự kiến đưa ra quyết định có loại Hàn Quốc khỏi "Sách trắng" các nước xuất khẩu đáng tin cậy hay không. Nếu động thái này được thực hiện, Hàn Quốc sẽ không còn là điểm đến được ưu đãi về đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu nữa.
Căng thẳng giữa hai nước bùng phát hồi đầu tháng, khi Tokyo áp lệnh kiểm soát xuất khẩu ba loại vật liệu quan trọng sang Hàn Quốc, gồm fluorinated polyamides (nhựa nhiệt dẻo), photoresists (chất cản quang) và hydrogen fluoride (hydro florua) dùng trong sản xuất sản phẩm bán dẫn.
Các công ty Nhật bán các sản phẩm cho Hàn Quốc sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu cho từng hợp đồng. Quy trình này có thể kéo dài tới 90 ngày.
Việc này đang tác động lên ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, vốn đã chịu sức ép từ nhu cầu đi xuống vài năm gần đây.
Samsung và SK Hynix (Hàn Quốc) sản xuất gần hai phần ba chip nhớ thế giới. Các hãng smartphone như Apple hay Huawei cũng phải dựa vào nguồn cung chip nhớ từ Hàn Quốc.
Tuần trước, SK Hynix cảnh báo doanh số nửa cuối năm có thể giảm, do khả năng sản xuất gián đoạn nếu lệnh hạn chế của Nhật Bản kéo dài. Họ cho biết đang cố gắng tích trữ nhiều nhất có thể. Samsung thì đang đánh giá tình hình và "xem xét nhiều biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng lên sản xuất".
Nếu lệnh hạn chế kéo dài và Samsung, SK Hynix thiếu nguồn cung, "nhu cầu sản phẩm công nghệ thông tin toàn cầu sẽ đi xuống", SK Kim – nhà phân tích tại hãng môi giới Daiwa cho biết trên CNN, "Nếu Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi Sách trắng, ảnh hưởng sẽ lan đến nhiều lĩnh vực khác nữa, tác động tiêu cực đến cả hai quốc gia".
Chính phủ Nhật Bản cho biết họ thắt chặt xuất khẩu vật liệu bán dẫn sang Hàn Quốc vì an ninh quốc gia. Tuy vậy, Hàn Quốc cho rằng các động thái này nhằm thể hiện sự bất mãn với phán quyết tháng 10/2018 của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, đề nghị các công ty Nhật bồi thường cho người Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động thời Thế chiến II.
Đáp trả, làn sóng tẩy chay thương hiệu Nhật Bản đã bùng phát tại Hàn Quốc. Tuần trước, nhân viên chuyển phát Hàn Quốc từ chối giao hàng cho hãng bán lẻ Uniqlo (Nhật Bản). Công nhân tại các trạm xăng cũng từ chối bơm xăng cho xe thương hiệu Nhật.
Một sản phẩm sử dụng vật liệu bán dẫn của Samsung. Ảnh: Bloomberg
23.000 hãng bán lẻ đã rút hàng hóa Nhật Bản ra khỏi kệ, đồng thời thông báo sẽ không bao giờ mua bán sản phẩm từ nước này.
Theo truyền thông Hàn Quốc, doanh số bán bia Nhật tại chuỗi siêu thị lớn của Hàn Quốc – E-Mart đã giảm 30% trong nửa đầu tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh số bia Hàn và bia nhập nhập tăng gần 20%.
Không chỉ tác động đến công nghệ và hàng tiêu dùng, ngành du lịch Nhật Bản cũng đang chịu sức ép. Các công ty lữ hành nhắm đến khách hàng Hàn Quốc đã phải dừng hàng loạt tour do nhu cầu sụt giảm.
Hãng hàng không Asiana Airlines cũng đang cân nhắc hủy tuyến Seoul – Hokkaido vì lượng đặt chỗ cho tháng 8 giảm 30% so với năm ngoái. Các khách sạn tại Sapporo, Hokkaido vốn là điểm đến ưa thích của người Hàn Quốc, cũng bị hủy phòng hàng loạt.
Hai quốc gia này còn xung đột tại WTO về tính pháp lý của việc Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi "Sách trắng". Seoul cho rằng đây là động thái "không công bằng" và vi phạm quy định của WTO.
Thứ tư tuần trước, chính phủ Hàn Quốc gửi đề nghị chính thức sang Nhật Bản, về việc không loại nước này ra khỏi Sách trắng. Hàn Quốc nhấn mạnh họ "sẵn sàng nói chuyện bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ đâu". Tuy vậy, họ cũng chỉ trích Nhật Bản thiếu tinh thần đối thoại.
Diplomat gọi căng thẳng giữa hai quốc gia này là "chiến tranh thương mại". Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Nhật Bản.
Vật liệu bán dẫn cũng là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản sang Hàn Quốc. Vì thế, động thái của Nhật Bản làm dấy lên câu hỏi về thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn mà các công ty nước này phải chịu.
Giới quan sát chỉ ra căng thẳng thương mại với Hàn Quốc sẽ không chỉ gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm bán dẫn toàn cầu, mà còn làm giảm doanh thu từ các khách hàng lớn Hàn Quốc.
Việc này có thể khiến doanh nghiệp Hàn Quốc phải tìm phương án thay thế và công ty Nhật Bản mất lợi thế cạnh tranh quốc tế.