Bóng ma quá khứ đe dọa thổi bùng chiến tranh thương mại Nhật - Hàn

Giới quan sát nhận định căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể kéo dài nhiều tháng nếu chính phủ hai nước ra đòn trả đũa qua lại.
Người dân Hàn Quốc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản để kêu gọi tẩy chay hàng hóa nước này. Ảnh: Kyoto. Người dân Hàn Quốc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản để kêu gọi tẩy chay hàng hóa nước này. Ảnh: Kyoto.

Căng thẳng giữa Tokyo và Seoul leo thang ngày 5/7 khi thủ tướng Nhật Bản công bố các biện pháp mới để hạn chế hàng xuất khẩu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghệ Hàn Quốc. Đáp lại, phía Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa từ Nhật Bản.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc tạm "đình chiến", hai nền kinh tế lớn của châu Á đang bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại xuất phát từ căng thẳng chính trị kéo dài nhiều năm qua.

"Nhiều khả năng chính phủ hai nước sẽ thực hiện những biện pháp trả đũa qua lại trong vòng vài tháng, khiến quan hệ song phương càng xấu đi", CNBC dẫn lời chuyên gia Scott Seaman thuộc tổ chức Eurasia Group dự báo. 

Trước đó, tại Hội nghị G20 ở Osaka, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào để cải thiện quan hệ song phương. 

Chuyên gia Seaman cho biết có vẻ như Thủ tướng Abe rất không hài lòng vì hai bên không giải quyết được bất đồng về việc tòa án Hàn Quốc yêu cầu phía Nhật Bản phải bồi thường cho các nữ nạn nhân Hàn Quốc bị quân đội Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II. 

Nhật Bản "từ mặt thương mại" Hàn Quốc

Tuần trước, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tuyên bố Tokyo “sẽ áp dụng chính sách và thủ tục cấp phép mới về xuất khẩu hàng hóa, vận chuyển sản phẩm và công nghệ 'được kiểm soát' sang Hàn Quốc”.

Bộ Kinh tế Nhật Bản nhấn mạnh: “Chính phủ Nhật Bản không thể không thừa nhận rằng mối quan hệ và sự tin cậy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực kiểm soát và quản lý xuất khẩu đã bị xói mòn đáng kể”.

Thêm vào đó, chính quyền Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" bao gồm các quốc gia Tokyo xác định là có hệ thống kiểm soát xuất khẩu đáng tin cậy.

Nỗi oán hận của người dân Hàn Quốc với Nhật Bản suốt 6 thập kỷ qua là “bóng ma” đe đọa mối quan hệ hai nước. Trong thời gian phát xít Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945, hàng chục nghìn phụ nữ Triều Tiên đã bị ép làm gái mại dâm trong các nhà thổ quân sự.

Thuật ngữ “phụ nữ giải khuây” được phía chính quyền Tokyo sử dụng để mô tả những người phụ nữ bị ép làm nghề mại dâm cho lính Nhật trong giai đoạn này.

Năm 2015, chính phủ Nhật Bản công khai xin lỗi các nạn nhân Hàn Quốc và đồng ý bồi thường 1 tỷ yên, tương đương 9,4 triệu USD, để hỗ trợ họ. Tuy nhiên các tổ chức bảo vệ quyền lợi của "phụ nữ giải khuây" Hàn Quốc cho rằng số tiền bồi thường này là quá ít ỏi so với những gì họ phải chịu đựng trong chiến tranh. 

Ngày 5/7, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố giải tán quỹ này bất chấp việc Nhật Bản cảnh báo hành động đó sẽ hủy hoại quan hệ song phương. Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Đông Á leo thang nghiêm trọng.  

Cuộc chiến thương mại tại châu Á

Những thay đổi về chính sách thương mại của Nhật Bản với Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7. Các công ty Nhật Bản sẽ phải xin giấy phép để xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, bao gồm các loại hóa chất dùng để sản xuất chất làm lạnh, dược phẩm, công nghệ kim loại và chế phẩm bán dẫn.

Chuyên gia Seaman nhận định biện pháp này sẽ khiến hoạt động xuất khẩu hàng Nhật Bản sang Hàn Quốc trở nên phức tạp và tốn thời gian, đẩy chi phí xuất khẩu tăng cao. Việc Hàn Quốc bị đá khỏi "danh sách trắng" của Nhật Bản có hiệu lực từ cuối tháng 8. 

Các nhà phân tích kinh tế nhận định chính quyền Thủ tướng Abe chủ động tấn công những ngành công nghệ quan trọng của Hàn Quốc như sản xuất điện thoại thông minh và bán dẫn. Nhiều khả năng căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Đặc biệt tâm lý tẩy chay hàng hóa đôi bên có thể bùng nổ.  

Vấn đề là cả ông Abe và ông Moon đều không muốn bị coi là "yếu đuối" trước những kỳ bầu cử quan trọng sắp tới.

"Thủ tướng Abe không muốn bị đánh giá là yếu ớt trước cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21/7 tới. Còn Tổng thống Moon chắc chắn không muốn lùi bước khi đảng của ông chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4/2020", chuyên gia Seaman nói. 

Dù vậy, cũng có khả năng doanh nghiệp hai nước cũng lặng lẽ vận động chính phủ thực hiện những biện pháp kiềm chế để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện bùng nổ. 


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục