Trong báo cáo mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về việc thí điểm nhập khẩu săm lốp ô tô đã qua sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất công nghiệp của Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai - Indevco (Công ty Chu Lai - Indevco) cho thấy, doanh nghiệp này đã thu lời khoảng 700 tỷ đồng sau 3 năm triển khai.
Cụ thể, việc nhiệt phân lốp ô tô, cao su tại Công ty Chu Lai - Indevco thu được dầu FO-R, than cacbon đen thô (than bột) và thép phế. Toàn bộ lượng dầu FO-R thu được qua quá trình nhiệt phân (bao gồm cả từ săm lốp nhập khẩu và săm lốp thu mua trong nước), đạt khoảng 80.000 tấn, đều được sử dụng làm nhiên liệu tại Công ty.
Giá trị chênh lệch giữa dầu FO-R thu được từ quá trình nhiệt phân so với dầu FO nhập khẩu đạt khoảng 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty còn thu gom được một khối lượng lớn than bột và thép phế liệu trong quá trình nhiệt phân săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng. Giá trị thu được từ việc bán than bột và thép phế liệu tương ứng 145 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ KHCN, trong 3 năm (2013 - 2015), Công ty Chu Lai - Indevco đã nhập 271.000 tấn lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng (trong đó năm 2013 là 91.000 tấn; năm 2014 là 112.000 tấn và năm 2015 là 65.000 tấn).
Trong số 271.000 tấn đã nhập về, Công ty đã đưa vào sản xuất 166.000 tấn, còn khoảng 105.000 tấn chưa sử dụng. Toàn bộ khối lượng này hiện đang được lưu kho.
Trong khi đó, lượng săm lốp thu gom trong nước đã đưa vào sử dụng của Công ty này trong 3 năm đạt 162.000 tấn, tương đương với lượng nhập khẩu đã đưa vào sử dụng.
Việc tái chế săm lốp đã qua sử dụng thành nhiên liệu tại Công ty Chu Lai - Indevco hiện được thực hiện tại Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic tại Thung Súa (thôn Liên Minh, xã Xích Thố, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), với công suất 485 tấn/ngày, tương đương 180.000 tấn/năm.
Theo đánh giá của Bộ KHCN, Nhà máy đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhân dân địa phương.
Hiện Công ty Chu Lai - Indevco đã chính thức đề nghị được tiếp tục nhập khẩu săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng với số lượng 130.000 tấn/năm, đến hết năm 2021, để bổ sung nguồn nguyên liệu thu mua trong nước còn thiếu. Đề nghị này cũng được Bộ Công thương, Bộ KHCN và các địa phương mà doanh nghiệp có nhà máy hoạt động ủng hộ.
Theo Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, các vật tư đã qua sử dụng như máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, máy kéo và xe gắn máy không được phép nhập khẩu.
Trước đó, tại Văn bản số 679/2013/TTg-KTN, Chính phủ cho phép Chu Lai - Indevco nhập khẩu không quá 160.000 tấn săm, lốp đã qua sử dụng để tái chế thành dầu nhiên liệu, phục vụ sản xuất kính trong thời gian từ năm 2013 đến hết năm 2015.
Đáng nói là, theo Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, các vật tư đã qua sử dụng như máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, máy kéo và xe gắn máy không được phép nhập khẩu.
Tuy nhiên, với sự bùng nổ của hoạt động tạm nhập, tái xuất trong giai đoạn 2011 - 2013, hàng loạt giấy phép tạm nhập tái xuất mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng đã được Bộ Công thương cấp phép cho các doanh nghiệp thương mại. Theo quy định tại khoản 4, Điều 11, Nghị định 187/2013/NĐ-CP, mặt hàng lốp cũ tạm nhập, tái xuất được lưu tại Việt Nam không quá 60 ngày và được gia hạn thêm 2 lần, mỗi lẫn không quá 30 ngày.
Thống kê từ các giấy phép tạm nhập, tái xuất lốp cũ được cấp cho các doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, đích đến của lốp cũ sau khi đã được tạm nhập vào Việt Nam sẽ là Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết lốp cũ đã dừng lại ở Việt Nam.
Để hạn chế tình trạng tồn đọng hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung, mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng nói riêng, đồng thời hạn chế việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng vận chuyển chất thải, phế liệu vào Việt Nam, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công thương đánh giá lại hiệu quả hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng; đồng thời xem xét đưa mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng vào Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.