Khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Tại một hội thảo về giải pháp tiếp cận vốn cho doanh nghiệp được Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức gần đây, một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được viện dẫn cho thấy, có khoảng 30 - 40% tổng vốn đầu tư cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp từ nguồn phi chính thức. Vấn đề là nguồn vốn phi chính thức này có thể đem lại nhiều vấn đề cho doanh nghiệp, từ rủi ro về khả năng thanh toán, rủi ro vi phạm nội bộ...
Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Haprosimex. Năm 2012, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, Công ty thiếu vốn nhưng không thể vay thêm ngân hàng, lãnh đạo Haprosimex đã đề nghị các cán bộ chủ chốt cho Nhà máy Dệt kim Haprosimex (trực thuộc Công ty) vay tiền. Từ năm 2012 đến 2016, Nhà máy nhiều lần vay và trả nợ các khoản vay ngắn hạn đứng tên các cá nhân, tổ chức khác nhau.
Việc vay vốn “phi chính thức” như vậy đã dẫn đến những khuất tất của lãnh đạo Công ty. Bản thân Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đã chỉ đạo Kế toán trưởng lập phiếu thu khống thể hiện nội dung cho Công ty vay số tiền 600 triệu đồng. Dù việc cho vay không có thực, song sau đó, Công ty vẫn trả lãi vay cho vị Chủ tịch Hội đồng thành viên. Hành vi này sau đó đã bị truy tố, điều tra, xét xử.
Trong vụ việc này, lãi suất cho vay được tính rất cao, dẫn đến thiệt hại lớn cho Công ty TNHH Haprosimex. Khoản vay 600 triệu đồng được lập phiếu thu vào tháng 6/2014 và được trả lãi vào tháng 4/2015, tức là chưa đến 1 năm với tổng số tiền lãi là 233 triệu đồng. Như vậy, mức lãi suất lên tới gần 40%/năm.
Vợ của vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Haprosimex còn lấy tên người khác cho Nhà máy vay 90 triệu đồng và thu lãi hơn 133 triệu đồng trong khoảng thời gian 2 năm từ khoản cho vay này. Lãi suất tính ra cũng trên 70%/năm.
Doanh nghiệp thiếu vốn thì phải đi vay, vay ngân hàng không được thì vay từ nhiều nguồn khác. Vay cá nhân cũng chỉ là một phương án.
Có một số điểm cần lưu ý chẳng hạn khi vay những người liên quan thì Luật Doanh nghiệp đã có quy định về giao dịch với người liên quan bao gồm cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, kiểm soát viên và những người liên quan... Theo đó, những giao dịch với người này phải được đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị thông qua.
Một yếu tố khác là vấn đề lãi suất. Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, lãi suất vay có thể theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (thỏa thuận không rõ ràng sẽ là 10%/năm).
Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, trong trường hợp công ty vay vốn cá nhân để phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thì chi phí lãi vay chỉ được hạch toán không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Doanh nghiệp có thể chi phí lãi vay cao hơn, nhưng không được khấu trừ thuế và điều này đem lại nhiều rủi ro.
Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật hợp danh Bross và cộng sự)