“Nhập khẩu lạm phát” tiếp tục cần được cảnh báo

0:00 / 0:00
0:00
Dấu hiệu “nhập khẩu lạm phát” đã xuất hiện ngay từ đầu năm. Giá nhập khẩu (giá mua hàng từ nước ngoài của doanh nghiệp) 2 tháng qua so với cùng kỳ năm trước tăng khá cao.
Giá nhập khẩu tăng trong 2 tháng đầu năm làm cho kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu. Giá nhập khẩu tăng trong 2 tháng đầu năm làm cho kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu.

Nhập khẩu lạm phát tiếp tục

Giá nhập khẩu tăng trong 2 tháng đầu năm làm cho kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu (115,9% so với 13,2%), tác động tiêu cực đến cán cân thương mại (chuyển sang nhập siêu 936 triệu USD, ngược chiều với xuất siêu 299 triệu USD của cùng kỳ).

Cán cân thương mại thâm hụt thì Ngân hàng Nhà nước sẽ không thể mạnh tay mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối (sẽ làm tăng tỷ giá), trong khi tổng dự trữ ngoại hối mới vượt qua 3 tháng nhập khẩu là ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế.

Kim ngạch nhập khẩu tăng có một phần quan trọng do giá nhập khẩu tăng, còn lượng nhập khẩu không tăng, thậm chí có loại còn bị giảm (như phế liệu sắt thép, hạt điều, than, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, kim loại thường khác…).

Việc “đứt gãy” nguồn cung trong 2 năm trước có một phần do đại dịch, một phần do giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao… Nếu đại dịch chưa được kiểm soát và giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao, thì “nhập khẩu lạm phát” sẽ lại tiếp tục.

Trong năm 2021, “nhập khẩu lạm phát” tuy đã tác động đến Việt Nam, nhưng mới chủ yếu là khâu sản xuất, làm cho chi phí sản xuất, xây dựng tăng, nhưng giá bán sản phẩm tăng thấp hơn, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, chưa chuyển sang hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, bị chặn lại do gặp phải sức mua bị giảm, nên CPI không những không tăng cao hơn mục tiêu, mà còn thấp hơn năm trước.

Năm nay, CPI diễn biến có thể khác, một mặt do yếu tố “chi phí đẩy” từ sản xuất chuyển sang, mặt khác do giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao.

Năm trước, giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao, nhưng tỷ giá VND/USD bị giảm, nên giá nhập khẩu tính bằng USD không tăng tương ứng, việc “nhập khẩu lạm phát” đã bị chặn lại một phần nào. Năm nay diễn biến có thể khác. Tỷ giá VND/USD sẽ khó tiếp tục giảm nữa, mà sẽ tăng lên, thậm chí có thể ở mức tăng 2% theo định hướng trước đây.

Nếu tỷ giá VND/USD tăng, thì giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng và tăng kép, tác động không nhỏ đối với CPI về 2 mặt: “nhập khẩu lạm phát” thực sự và tác động đến tâm lý “kỳ vọng lạm phát”.

Yếu tố tâm lý tuy không phải là yếu tố kinh tế trực tiếp, nhưng trong những trường hợp và những thời điểm nhất định lại tác động mạnh hơn cả yếu tố kinh tế. Hơn nữa, tác động “cộng hưởng” thường lớn hơn từng yếu tố cộng lại…

Giải pháp xử lý

Để xử lý tác động của “nhập khẩu lạm phát”, cần có những giải pháp tổng hợp. Biện pháp cơ bản là cần đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Về xuất khẩu, cần khắc phục sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ, khắc phục tình trạng gia công, lắp ráp ngay cả đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; kiểm tra lại lượng xuất khẩu một số mặt hàng bị giảm, trong khi giá tăng, như hạt điều, hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, than, dầu thô, xơ sợi dệt, sắt thép...; giá một số mặt hàng tăng cao, nhưng lượng tăng thấp, như cà phê, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, cao su...

Về nhập khẩu, cần tập trung vào việc kiểm soát nhập khẩu có liên quan đến “xuất xứ”, lợi dụng “tiêu thụ hộ”, “xuất khẩu giùm”… Kiểm tra lại việc nhập khẩu một số mặt hàng giá tăng khá cao nhưng lượng cũng tăng, như lúa mì, đậu tương, phân bón, sản phẩm từ cao su...

Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục các giải pháp như điều hành tỷ giá trung tâm, lãi tiền gửi ngoại tệ bằng 0%… Việc điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD cũng cần được tính đến để góp phần khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, nhưng cũng chỉ nên ở mức nhẹ, trên dưới 1%; phương thức điều hành cần tiếp tục thông qua tỷ giá trung tâm (“trườn bò”), không “giật cục”, vừa hạn chế “đón lõng” đầu cơ, vừa “linh hoạt” theo tín hiệu thị trường…

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục