Lạm phát nhập khẩu

(ĐTCK-online) Lạm phát đang là một vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương đều có giải pháp theo chức năng, quyền hạn của mình để khắc phục tình hình. Nhưng kết quả vẫn đang là sự chờ đợi.
Lạm phát nhập khẩu

Lạm phát không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa, vấn đề là phải tìm đúng nguyên nhân. Lạm phát, về bản chất, là do khối lượng tiền tệ trong lưu thông vượt quá khối lượng hàng hóa và dịch vụ cung ứng, dẫn đến sự tăng giá đồng loạt, liên tục và ở mức đáng kể. Từ đó, người ta thường lấy chỉ số giá tăng để nói lên mức độ lạm phát. Lạm phát thường đi kèm với tăng trưởng kinh tế, tăng số lượng công ăn việc làm. Bản chất lạm phát không xấu, nếu lạm phát nhẹ, kiểm soát được, vì nó kích thích đầu tư, kích thích xuất khẩu và cải thiện công ăn việc làm. Nhưng khi lạm phát tăng lên quá mức, đến 2 con số, ngoài tầm kiểm soát, sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và cuộc sống người ăn lương.

Lạm phát của Việt Nam trở nên khó kiểm soát bắt đầu từ đầu năm 2007, bùng phát thực sự khi thông tin rầm rộ về lạm phát toàn cầu và điểm nhấn là từ khi điều chỉnh giá xăng dầu.

Nhìn nhận thực trạng cơ cấu tài chính doanh nghiệp, vốn của nền kinh tế và vốn của hệ thống ngân hàng cho thấy, lạm phát của Việt Nam hiện nay có điều gì đó khác với bản chất thông thường của lạm phát. Lạm phát cao nhưng nền kinh tế (trong lưu thông) không dư tiền, vốn tín dụng ngân hàng thiếu trầm trọng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng lạm phát vẫn không suy giảm, lạm phát nhưng ngân hàng vẫn khó huy động vốn “dư thừa”.

Vậy, phải chăng, lạm phát hiện nay là hệ quả của sự thâm nhập tài chính - tiền tệ - giá cả thế giới từ chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế?

Cách đây mấy năm, tôi có dùng một bữa cơm trưa văn phòng tại Mỹ, thực đơn có nhỉnh hơn suất cơm văn phòng tại TP. HCM một chút, nhưng phải trả tới 7 USD. Mới năm ngoái, cũng suất cơm tương tự tại Trung Quốc, tôi phải trả 50 nhân dân tệ (7 USD và 50 nhân dân tệ đều tương đương 100.000 đồng). Trong khi, cũng suất cơm đó tại Việt Nam , chỉ khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Năm 2006, một đoàn khách du lịch Nhật Bản tới TP. HCM, họ cảm nhận Việt Nam là thiên đường của mua sắm. Thu nhập bình quân đầu người của ta nếu tính theo GDP là 700 USD, nhưng tính theo sức mua là trên 1.000 USD… Như vậy, mặt bằng giá hàng hóa dịch vụ của ta đang thấp hơn mặt bằng giá thế giới. Băng tan ở Bắc Cực sẽ dẫn đến triều cường tại TP. HCM. “Triều cường giá cả” của thế giới đang chảy vào “vùng trũng” Việt Nam . Lạm phát của ta hiện nay là do sự thâm nhập giá cả thế giới. Tôi nghĩ rằng, đó là gốc rễ của lạm phát hiện nay - “lạm phát nhập khẩu”. Việc đầu tư cơ bản “bội thực” và đầu tư lớn vào khu vực kinh tế có hiệu quả thấp cũng là nguyên nhân làm tăng lạm phát.

Nếu nguyên nhân cơ bản là vậy, thì toa thuốc “thắt chặt tiền tệ” là một nghịch lý. Nền kinh tế đang có dấu hiệu khó khăn hơn bởi chính sách thắt chặt tiền tệ. Doanh nghiệp đang thiếu vốn kinh doanh, do ngân hàng “đóng cửa” tín dụng.

Khó thể làm cho giá cả đứng yên, kể cả những thứ ta đang “dư thừa”, khi mà xung quanh ta mọi thứ đều tăng giá. Vậy thì giải pháp tốt nhất có thể là chủ động thiết lập một mặt bằng giá hàng hóa và dịch vụ mới, ngang với mức bình quân của các thị trường chi phối trên thế giới. Đồng thời với việc điều chỉnh tăng giá đồng loạt, cần đưa thêm tiền vào lưu thông, điều chỉnh tăng lương cho khu vực hưởng lương, tăng giá thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân và tăng mức phụ cấp xã hội. Điều chỉnh nâng mặt bằng giá cả và tiền tệ hiện nay là giải pháp vừa ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính, lạm phát toàn cầu, vừa bảo vệ giá trị tài sản quốc gia trên thương trường toàn cầu hóa.

Làm như vậy, vấn đề tồn tại cuối cùng của nền kinh tế sẽ tập trung vào hoạt động xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu có chịu đựng được không, khi giá đầu vào tăng từ 30 - 40%? Cạnh tranh quốc tế là khó khăn, đòi hỏi các tổ chức xuất khẩu phải tính toán khi tìm kiếm thị trường, ký kết các hợp đồng và quan trọng nhất là cắt giảm tối đa chi phí quản lý.

Nâng mặt bằng giá cũng là giải pháp cần thiết để người nông dân hạch toán được thu nhập và chi phí trên mỗi sản phẩm. Đó cũng là chính sách để cho người nông dân được hưởng lợi từ chính sách hội nhập và sự tăng trưởng kinh tế.

Bùi Nguyên Hoàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Bùi Nguyên Hoàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tin cùng chuyên mục