Nhập khẩu dầu tháng 5 của Trung Quốc từ Nga tăng lên mức kỷ lục

(ĐTCK) Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục vào tháng 5 và Nga cũng thay thế Ả Rập Xê Út trở thành nhà cung cấp hàng đầu của nước này.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu từ Nga trong tháng 5, bao gồm nguồn cung được bơm qua đường ống ở Thái Bình Dương và các chuyến hàng bằng đường biển từ các cảng châu Âu và Viễn Đông của Nga đạt tổng cộng gần 8,42 triệu tấn.

Con số này tương đương với khoảng 1,98 triệu thùng/ngày và tăng 25% so với 1,59 triệu thùng/ngày vào tháng 4. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Các công ty Trung Quốc bao gồm tập đoàn lọc dầu khổng lồ Sinopec và Zhenhua Oil đã tăng cường mua dầu của Nga vì Moscow chiết khấu mạnh sau khi nhiều nhà nhập khẩu khác rút lui do lệnh trừng phạt của phương Tây với dầu mỏ từ Nga.

Ả Rập Xê Út là nhà cung cấp lớn thứ hai cho Trung Quốc, với khối lượng tháng 5 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 7,82 triệu tấn, tương đương 1,84 triệu thùng/ngày nhưng giảm so với mức 2,17 triệu thùng/ngày của tháng 4.

Dữ liệu hải quan công bố hôm thứ Hai (20/6) cũng cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 260.000 tấn dầu thô của Iran vào tháng trước, chuyến hàng thứ ba của nước này đối với dầu từ Iran kể từ tháng 12/2021.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Teheran, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu từ Iran. Mức nhập khẩu gần tương đương với 7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.

Nhập khẩu dầu thô tổng thể của Trung Quốc đã tăng gần 12% trong tháng 5 từ mức cơ bản thấp một năm trước đó lên 10,8 triệu thùng/ngày, so với mức trung bình năm 2021 là 10,3 triệu thùng/ngày.

Mặt khác, dữ liệu cho thấy Trung Quốc không nhập khẩu dầu từ Venezuela. Các công ty dầu khí nhà nước của Trung Quốc đã tránh mua dầu từ nước này kể từ cuối năm 2019 vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Trong khi đó, nhập khẩu dầu từ Malaysia thường được sử dụng làm điểm trung chuyển trong hai năm qua đối với dầu có nguồn gốc từ Iran và Venezuela đã lên tới 2,2 triệu tấn, ổn định so với tháng 4 nhưng cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu từ Brazil giảm 19% so với một năm trước xuống 2,2 triệu tấn, do nguồn cung từ nhà xuất khẩu Mỹ Latinh phải đối mặt với sự cạnh tranh với giá rẻ hơn từ dầu của Iran và Nga.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục