Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, hai chủ thể chính thực hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng đó là nhóm đối tượng phạm tội ngoài ngành ngân hàng thường có các hành vi phổ biến là lừa đảo với các thủ đoạn như tạo dựng hồ sơ dự án để thế chấp vay vốn ngân hàng; Giả mạo hợp đồng đồng mua bán hàng hóa để thế chấp vay vốn ngân hàng; hoặc lập ra nhiều doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng kinh tế giả mạo dùng thế chấp vay vốn ngân hàng; giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở; hoặc lừa đảo sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân; hoặc cùng một tài sản (nhà, đất) lập ra nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở đem thế chấp tại nhiều ngân hàng để vay vốn.
Bên cạnh đó, là nhóm đối tượng cán bộ ngân hàng thông qua hình thức lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng vị trí công tác, uy tín của tổ chức ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, tổ chức và cá nhân; cán bộ ngân hàng bị lôi kéo, mua chuộc, tiếp tay cho tội phạm và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
“Tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng hiện ngày càng gia tăng về số vụ án với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp… Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia các hình thức phạm tội sẽ khác nhau. Ví dụ như ở Mỹ, rất hiếm khi xảy ra mất những món nhỏ như lấy tiền của khách hàng qua sổ tiết kiệm nhưng đã mất tiền sẽ là món lớn, điều này khá khác với ở Việt Nam”, TS. Hiếu chia sẻ.
Cũng theo TS. Hiếu, các ngân hàng phải biết rằng, tội phạm luôn đi trước ngân hàng, luôn luôn có những mánh khoé mới, phương thức mới để ăn cắp tiền ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng cần phải rà soát lại quy trình vì trên thực tế, không có một quy trình nào mang tính cố định, hoàn hảo. Quy trình nào cũng phải dựa theo thực tế môi trường kinh doanh và phù hợp khuôn khổ của luật pháp. Luật pháp cũng thay đổi, môi trường kinh doanh luôn thay đổi nên các ngân hàng cần rà soát lại quy trình để điều chỉnh cho phù hợp.
Thực tế hiện nay cho thấy, các ngân hàng Việt liên tục rà soát, hoàn thiện, chuẩn hóa lại các quy chế, quy định, quy trình để quản trị, điều hành ngân hàng tốt hơn, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; quản trị nội bộ chặt chẽ hơn theo đúng các quy định của NHNN và định hướng chiến lược của, ngân hàng mình.
“Dẫu thận trọng nhưng câu chuyện liên quan đến rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng thì quốc gia nào cũng phải đối mặt, vấn đề là việc xảy ra, giải quyết như thế nào”, TS. Hiếu nói.
Về khía cạnh luật pháp, hướng dẫn đầy đủ nhất của cơ quan quản lý nhà nước về tiền gửi tiết kiệm là Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm. Sau đó, quyết định này đã được hợp nhất với Quyết định 47 năm 2016, Thông tư 04 năm 2011.
Quy chế quy định tổ chức nhận tiền gửi “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm” và “được quyền từ chối việc chi trả tiền gửi tiết kiệm đối với thẻ tiết kiệm đã bị lợi dụng nhưng không phải do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”.
Còn tại Điều 87 về “Trách nhiệm dân sự của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định, pháp nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện. Điều này cũng tương tự trong lĩnh vực hành chính, đó là Nhà nước phải bồi thường theo Luật Bồi thường của Nhà nước năm 2017 khi cán bộ, công chức làm sai, sau đó mới xử lý trách nhiệm của cá nhân.
Câu chuyện đang được chia sẻ trên thị trường là Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Được biết, bà Thương trước đó giữ chức vụ Phó giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng tại chi nhánh Phạm Hùng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Thông tin từ TPBank cho biết, sự việc này đã được chính TPBank phát hiện trong quá trình rà soát quy trình, hồ sơ nội bộ để đảm bảo an toàn cho Ngân hàng và tài sản của khách hàng. Đây là việc làm định kỳ hàng tháng tại TPBank. Sau khi phát hiện ra vụ việc của nhân viên, Ngân hàng đã chủ động đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra để phối hợp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
“Bà Thương sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ngân hàng về hành vi vi phạm của mình”, đại diện TPBank nói.
Liên quan tới việc đảm bảo an toàn tài sản của khách hàng gửi tiền, đại diện TPBank khẳng định, các khách hàng có liên quan trong vụ việc đều được TPBank đảm bảo quyền lợi, đều đã được hoàn trả đầy đủ gốc và lãi các sổ tiết kiệm đã gửi đúng theo quy định.
“Việc nhận lỗi về mình và xử lý thanh toán tiền ngay cho khách hàng là điều khá mới ở Việt Nam, rất cần nhân rộng điển hình”, TS. Hiếu nói.