Nhân vật kinh dị Momo đe dọa thương hiệu doanh nghiệp

Việc Youtube chèn những quảng cáo trong các phim, clip chứa hình ảnh kinh dị đã gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của các doanh nghiệp.
Nhân vật kinh dị Momo đang ảnh hưởng xấu đến trẻ em và thương hiệu doanh nghiệp. Nhân vật kinh dị Momo đang ảnh hưởng xấu đến trẻ em và thương hiệu doanh nghiệp.

Từ “cá voi xanh” đến ác quỷ Momo

Từ năm 2015 đến đầu năm 2018, trò chơi mang tên Blue Whale Challenge (thử thách cá voi xanh) trên Youtube, đã cướp đi sinh mạng hàng trăm bạn trẻ trên toàn thế giới.

Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong vòng 50 ngày, bắt đầu từ 4h20 sáng mỗi ngày, ví dụ như dùng dao cứa vào tay hình con cá voi, hay giữa đêm đến nghĩa trang... Vào ngày cuối cùng, bằng cách tự sát, người chơi sẽ được công nhận là kẻ chiến thắng. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi của trò chơi - những con cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự sát.

Những tưởng đó là một bài học xương máu cho cộng đồng Internet, nhưng bắt đầu từ tháng 8/2018, trên Youtube xuất hiện nhân vật Momo kinh dị ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnight, Peppa Pig và thậm chí còn hiển thị trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids.

Trong các đoạn video “Thử thách Momo”, nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

Hàng loạt phản hồi cho thấy, trẻ em sau khi xem hoạt hình có nhân vật Momo có những hành vi như đập đầu vào tường, tự cắt tóc mình, rối loạn tâm thần, sợ hãi bất thường… đã khiến người lớn nhận ra sự nguy hiểm chết người của nó. Phụ huynh trên khắp thế giới đã bày tỏ sự lo lắng và phẫn nộ trước việc Youtube, Google đã không kiểm soát được.

Google đã lên tiếng phủ nhận có video Momo Challenge trên YouTube và YouTube Kids, tuyên bố sẽ xóa các video vi phạm nếu có. Báo chí quốc tế vào cuộc và xác định chưa có bằng chứng cho thấy trẻ tự sát vì Momo, nhưng các chuyên gia tâm lý học trẻ em cho rằng nó có khả năng “gây tổn hại về mặt tinh thần”.

Trong một diễn biến mới nhất, đầu tháng 3/2019, nhà điêu khắc Keisuke Aiso (Nhật Bản), cha đẻ của nguyên mẫu Momo đã tuyên bố “khai tử” quái vật Momo. “Momo đã chết và lời nguyền sẽ biến mất”, Keisuke tuyên bố.

Momo đã bị khai tử, nhưng Youtube vẫn chưa giải quyết được vấn nạn. Ngoài Momo, người ta đã phát hiện một số video “nhái” Peppa Pig và nhiều series hoạt hình đang ẩn chứa nội dung hướng dẫn trẻ tự làm đau mình như cắt tay, đánh người... thậm chí tự sát. Tuy nhiên, YouTube để lọt các video này.

Cộng đồng các ông bố bà mẹ trên Facebook ở Anh, Mỹ... nổi giận và tuyên bố xóa YouTube và YouTube Kids cho đến khi nền tảng này an toàn.

Nhiều phụ huynh ở Việt Nam cho biết, con họ biết đến Momo và rất sợ hãi khi nhắc đến nhân vật này. Nhiều gia đình tạm thời cách ly trẻ với YouTube và YouTube Kids.

Làm gì khi thương hiệu bị ảnh hưởng?

Ngoài vấn đề xã hội, tác động tiêu cực đến người xem là trẻ nhỏ, những clip có ẩn chứa nội dung độc hại, nguy hiểm như Momo đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Còn nhớ, cuối năm 2017, tại Việt Nam đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp như Vinasoy, Vietjet Air, Vinamilk, Vingroup… dừng quảng cáo trên Youtube sau khi phát hiện quảng cáo của mình bị đặt cạnh các nội dung xâm hại trẻ em.

Ông Nguyễn Hồng Nam, Giám đốc Công ty Truyền thông và Quảng cáo Blue Sky cho biết: “Mỗi ngày có 1 tỷ người dùng và khoảng hơn 1 tỷ giờ video xuất hiện trên Youtube.

Đó chính là lý do hàng loạt nhãn hàng, trong đó có các nhãn hàng lớn của Việt Nam quảng cáo trên YouTube để tiếp cận lượng người dùng khổng lồ của nền tảng này. Họ trả tiền cho các đơn vị quảng cáo dựa trên lượng người xem clip có chèn quảng cáo và những trào lưu như Momo là cơ hội lớn cho các đơn vị quảng cáo.

Dĩ nhiên, các doanh nghiệp không chấp nhận việc gắn tên tuổi, thương hiệu của mình với các clip độc hại. Điều này sẽ làm tổn hại đến thương hiệu của họ”.

Theo luật sư Vũ Thái Hà,  Chủ tịch Công ty Luật YouMe, để bảo vệ thương hiệu, tránh không xuất hiện trong những nội dung độc hại, cách nhanh nhất mà các doanh nghiệp nên áp dụng là ngừng quảng cáo trên các kênh có nội dung không lành mạnh. Việc tẩy chay, ngừng quảng cáo sẽ gây áp lực lên chính các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, buộc họ phải có biện pháp “làm sạch” kênh quảng cáo của mình.

Trước sự việc trên, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và  Truyền thông) đã yêu cầu Google gỡ bỏ, tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để các clip có nội dung độc hại trên không tiếp tục xuất hiện trên YouTube. Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát xuất hiện trên YouTube.

Đại diện Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube, cũng đã báo cáo với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử rằng, các clip chứa nội dung nguy hại cho trẻ em được người dùng báo cáo đều đã bị gỡ bỏ. YouTube cũng cho biết, sẽ không chấp nhận chạy quảng cáo trong các video về trò lừa bịp mang tên “Thử thách Momo”.

Ngăn chặn, gỡ bỏ gần 4.500 video clip xấu độc

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 4.500 video clip xấu độc trên Youtube, buộc Facebook gỡ bỏ 3.000 đường link, Google hạ 6 kênh có nội dung vi phạm và sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quản lý Fake News.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đấu tranh với Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; yêu cầu phải có đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm tại Việt Nam, giúp quy trình xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm nhanh và hiệu quả hơn.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục