Nhận tin tốt, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

(ĐTCK) Sau phiên tăng điểm hôm thứ Năm (3/10) với kỳ vọng Fed giảm lãi suất, phố Wall có phiên bùng nổ phiên thứ Sáu (4/10) sau giữ liệu thị trường lao động của Mỹ tích cực.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phố Wall có phiên khởi sắc vào thứ Sáu sau khi dữ liệu việc làm tháng 9 vừa phải, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 50 năm làm giảm bớt nỗi lo suy thoái kinh tế.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 9, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 136.000 việc làm, mức thấp nhất 4 tháng và thấp hơn mức kỳ vọng 145.000 việc làm của giới phân tích.

Tuy nhiên, con số việc làm tạo thêm trong tháng 8 và tháng 7 được điều chỉnh tăng tương đối mạnh. Cụ thể, trong tháng 8 có thêm 168.000 việc làm, thay vì 130.000 việc làm như công bố ban đầu; tháng 7 có thêm 166.000 việc làm, thay vì con số 159.000 việc làm như công bố ban đầu.

Ngoài ra, dù số việc làm mới tạo thêm trong tháng 9 thấp hơn kỳ vọng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại giảm 0,2% từ mức 3,7% xuống 3,5%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969.

Theo các nhà phân tích, dữ liệu việc làm vừa công bố không đủ mạnh để khiến Fed cắt giảm lãi suất thêm 1 lần nữa, nhưng không đủ yếu để tạo ra lo ngại về thị trường lao động hay người tiêu dùng, vốn đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Theo dự báo của các chuyên gia và thị trường, khả năng Fed giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay là 77% vào ngày cuối tuần, cao hơn so với mức 40% vào ngày thứ Hai (30/9), nhưng giảm so với mức 90% của ngày thứ Năm (3/10) sau khi chỉ số PMI ngành dịch vụ được công bố giảm.

Kết thúc phiên 4/10, chỉ số Dow Jones tăng 372,68 điểm (+1,42%), lên 26.573,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,38 điểm (+1,42%), lên 2.952,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,21 điểm (+1,40%), lên 7.982,47 điểm.

Dù có 2 phiên hồi phục mạnh cuối tuần, nhưng với 3 phiên giảm trước đó, Dow Jones và S&P 500 không tránh khỏi tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi Nasdaq đảo chiều thành công. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,92%, chỉ số S&P 500 giảm 0,33%, trong khi Nasdaq tăng 0,54%.

Dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố cũng hô trợ cho tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu, giúp thị trường hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 4/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 77,74 điểm (+1,10%), lên 7.155,38 điểm. Chỉ số DAX tăng 87,56 điểm (+0,73%), lên 12.012,81 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 49,56 điểm (+0,91%), lên 5.488,32 điểm.

Tương tự, dù hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu cũng không tránh khỏi tuần giảm mạnh do lo ngại suy thoái kinh tế và chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU. Trong đó, chỉ số FTSE quay đầu giảm 3,65% sau khi hồi phục 1,11% tuần trước, còn chỉ số DAX và CAC40 có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất lần lượt 2,97% và 2,70%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm sau phiên lao dốc hôm thứ Năm nhờ nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất linh kiện cho Apple sau thông tin “quả táo” yêu cầu các nhà sản xuất linh kiện tăng sản lượng linh kiện cho iPhone 11 lên 10%. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm bớt do nhà đầu tư thận trong về dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ được công bố trước đó.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh khi nhà đầu tư lo sợ bởi lần đầu tiên sau 50 năm, người đứng đầu thành phố ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm dập tắt biểu tình bạo lực đang leo thang. Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm theo khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ và tình hình tại Hồng Kông. Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ lễ Quốc khánh.

Kết thúc phiên 4/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm tăng 68,46 điểm (+0,32%), lên 21.410,20 điểm Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 289,28 điểm (-1,11%), xuống 25.821,03 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 11,22 điểm (-0,55%), xuống 2.020,69 điểm.

Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, lo ngại về suy thoái kinh tế sau khi hàng loạt dữ liệu kinh tế Mỹ công bố thất vọng, cùng khủng hoảng biểu tình tại Hồng Kông khiến chứng khoán châu Á có tuần giảm mạnh. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,14%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Chỉ số Hang Seng giảm 0,52%, tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Chỉ số Shanghai Composite chỉ giao dịch duy nhất phiên đầu tuần và có mức giảm 0,92% cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Tương tự, chỉ số Kospi cũng giảm 1,43% trong tuần qua.

Giá vàng lình xình trong phiên thứ Sáu và kết thúc gần như không đổi sau dữ liệu việc làm mới công bố của Mỹ làm giảm bớt nỗi lo suy thoái kinh tế.

Kết thúc phiên 4/10, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD (-0,05%), xuống 1.504,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,9 USD (-0,06%), xuống 1.512,9 USD/ounce.

Nỗi lo suy thoái kinh tế đã giúp giá vàng đảo chiều tăng trở lại trong tuần qua sau khi giảm hơn 1% tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,54%, giá vàng tương lai tăng 0,43%.

Dù hạ nhiệt trong phiên cuối tuần, nhưng nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn chưa qua và đó là lý do cả nhà phân tích và đầu tư đều đặt cược vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời, có 12 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 71%, cao hơn rất nhiều so với con số 31% của tuần trước, chỉ có 3 người dự báo giảm, chiếm 18%, thấp hơn nhiều con số 50% của tuần trước và 2 người dự báo đi ngang, chiếm 12%.

Tương tự, trong 679 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 446 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 65%, cao hơn so với con số 56% của tuần trước; 145 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 21%, thấp hơn so với mức 26% của tuần trước và 88 người dự báo giá đi ngang, chiếm 13%.

Dữ liệu việc làm mới công bố của Mỹ làm giảm bớt nỗi lo suy thoái kinh tế cũng giúp giá dầu thô hồi phục hơn 1% trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 4/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,36 USD (+0,68%), lên 52,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,66 USD (+1,13%), lên 58,37 USD/thùng.

Lo ngại về suy thoái kinh tế khiến giá dầu thô tiếp tục có tuần giảm mạnh thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn nhiều tuần trước đó và với 2 tuần giảm này, giá dầu thô đã trả lại hết cả vốn lẫn lãi trong tuần tăng giữa tháng 9 sau vụ tấn công nhà máy dầu Ả Rập Xê út hôm 14/9. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 5,54% và giá dầu thô Brent cũng giảm 5,72%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục