Trong 10 phiên, VNM giảm duy nhất 1 phiên, còn lại hầu hết đều tăng điểm, mức tăng 19,65% trong 2 tuần và đã tăng 37,2% kể từ khi SCIC công bố thoái vốn tại công ty này (5/10/2015).
Đáng chú ý, giao dịch tại VNM tăng đột biến kể từ sau sự kiện trên. Tính từ ngày 2/11, bình quân mỗi phiên VNM giao dịch 1 triệu cổ phiếu trên sàn, giá trị giao dịch hơn 135 tỷ đồng, ngoài ra giao dịch thỏa thuận tại Vinamilk cũng tăng đột biến, bình quân mỗi phiên thỏa thuận gần 1.160.000 cổ phiếu, tương đương gần 155 tỷ đồng.
Khối ngoại đã thỏa thuận nội khối gần 13,86 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 1.850 tỷ đồng, khiến VNM trở thành tâm điểm sôi động trên TTCK. Sự sôi động của VNM song hành với nghi vấn của nhiều nhà đầu tư: liệu có “bàn tay vô hình” sau câu chuyện tin đồn về giao dịch lớn ở Vinamilk?
Việc SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk vẫn chưa có động thái gì mới, trong khi giá cổ phiếu VNM đã “nhảy” những bước quá xa so với sự bình lặng chung của thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/11, VNM giảm 6.000 đồng/cổ phiếu, xuống 134.000 đồng/cổ phiếu.
Chia sẻ với ĐTCK, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, câu chuyện về VNM một lần nữa cho thấy, các nhà đầu tư phải rất thận trọng với những thông tin không chính thống. Theo thông lệ, để đi đến ký kết hoặc công bố một hợp đồng M&A cỡ lớn, các bên liên quan phải trải qua một quá trình dài đàm phán bảo mật.
Sau khi có sự thống nhất, thông tin về thương vụ phải được công bố chính thức, cùng thời điểm trên các thị trường mà các bên đang tham gia (chẳng hạn tại Sở GDCK tại Việt Nam và Sở GDCK tại nước ngoài).
“Với các tổ chức chuyên nghiệp, việc công bố thông tin phải đảm bảo tất cả các nhà đầu tư, các cổ đông được tiếp cận thông tin minh bạch và bình đẳng, đảm bảo tính chính tắc và công bằng vốn có trên các TTCK”, Chủ tịch SSI nói.
Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài kể từ 2/11/2015 (xem bảng).