Xu hướng tăng được duy trì nhờ động lực từ VNM và FPT

(ĐTCK) Với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, VN-Index tuần qua vẫn tăng 5 điểm nhờ vào nhóm cổ phiếu lớn là VNM và FPT. Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, VN-Index đã vượt qua ngưỡng 615 điểm nhưng thanh khoản chưa xác nhận việc vượt ngưỡng kỹ thuật. 
Xu hướng tăng được duy trì nhờ động lực từ VNM và FPT

Do vậy, chỉ số này đã điều chỉnh giảm nhẹ trong phiên thứ Sáu với thanh khoản lớn. Tuy nhiên, mức giảm không quá lớn cho thấy lực mua ổn định ở vùng giá thấp.

Trong tuần, VNM đã tăng tới 9,32% và là động lực chính đẩy VN-Index tăng điểm. Với triển vọng mở room ít rõ ràng hơn, hiện diện trên truyền thông ít hơn và lực cản tăng giá lớn hơn do khối lượng lưu hành tự do lớn hơn, FPT “chỉ” tăng 6,49%. Khối ngoại nhìn chung không tham gia vào đà tăng này của thị trường khi lượng mua ròng chỉ nhỏ giọt và không tập trung. Xu hướng bán ra nhóm cổ phiếu lớn như MSN, VIC, HAG, HPG và mua lại các cổ phiếu nhỏ và vừa vẫn tiếp diễn.

Nhóm cổ phiếu dầu khí trong tuần qua không có diễn biến rõ ràng khi giá dầu vẫn biến động trong biên độ 45 - 50 USD/thùng và chưa xác lập xu hướng dài hạn. Với GAS, dù lợi nhuận giảm mạnh 20% trong quý III và khối ngoại bán ròng với khối lượng lớn, GAS vẫn không giảm giá trong 2 phiên cuối tuần nhờ lực cầu mạnh của nhà đầu tư trong nước sau khi GAS công bố báo cáo tài chính với số dư tiền lớn.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh giá khí bao tiêu của các mỏ cho phù hợp với tình hình giá thế giới. Như vậy, dự kiến việc giá dầu thấp hiện tại sẽ tác động ít hơn đến lợi nhuận của GAS trong tương lai. Diễn biến giá dầu hiện tại có thể tác động tiêu cực đến GAS và các cổ phiếu dầu khí khác trong vài phiên tới và cho cơ hội mua tốt với các cổ phiếu ít bị tác động hơn trong nhóm như GAS cho nhà đầu tư dài hạn. Với PVD, dù kết quả kinh doanh quý III khá khả quan, triển vọng dài hạn sẽ khó khăn hơn nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp như hiện tại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường vẫn đang đợi hai ngân hàng lớn là CTG và VCB công bố lợi nhuận. Dự kiến, lợi nhuận quý III của 2 ngân hàng này sẽ khá tích cực khi tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn hệ thống đã có tăng trưởng nhẹ trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến không tăng mạnh với riêng hai ngân hàng này, đặc biệt là VCB.

Với 2 ngân hàng nhỏ hơn chưa công bố báo cáo tài chính là STB và EIB, lợi nhuận dự kiến không khả quan do dự phòng rủi ro tín dụng có thể lớn trong điều kiện các ngân hàng này đang tái cấu trúc. Tuy nhiên, mức giá hiện tại của STB và EIB đã phần nào phản ánh xu hướng này nên kết quả kinh doanh kém trong quý III có thể sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới thị trường.

Với VNM và FPT, xu hướng tích cực dự kiến sẽ tiếp tục duy trì khi mức giá thị trường hiện tại chưa đạt kỳ vọng của cả khối ngoại lẫn SCIC. Ngoài ra, mức P/E hiện tại của cả hai cổ phiếu này vẫn thấp hơn nhiều so với các công ty tương tự trong khu vực, nhất là với FPT. Với đánh giá như trên, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực với xu hướng tăng của thị trường trong ngắn hạn và dài hạn.

CTCK ACBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục