Khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ
Theo đơn khởi kiện của TPBank, giữa ngân hàng và Công ty TNHH Phát triển công nghệ BTK (trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có nhiều giao dịch vay tiền. TPBank cho Công ty BTK vay 621 triệu đồng để mua xe ô tô, cấp hạn mức 30 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động nhập nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu ra, phát hành các loại bảo lãnh phục vụ hoạt động của công ty, cho vay theo hạn mức thấu chi 800 triệu đồng...
Để đảm bảo cho khoản vay này, Công ty BTK cầm cố, thế chấp một số tài sản bao gồm khoản phải thu từ hợp đồng thi công giữa Viglacera và Công ty BTK, khoản phải thu từ hợp đồng kinh tế giữa Ban Quản lý đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc và Công ty BTK, 1 xe ô tô Toyota và một xe BMW. Khoản phải thu phát sinh từ hai hợp đồng kinh tế nói trên được định giá 22,9 tỷ đồng.
Quá trình vay vốn, Công ty BTK đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. TPBank nhiều lần liên hệ đòi nợ nhưng không được. Do đó, ngân hàng đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty BTK phải trả tổng cộng 10,9 tỷ đồng nợ gốc và lãi.
Trường hợp Công ty BTK không trả được nợ hoặc trả không đủ, TPBank được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Đại diện theo pháp luật của Công ty BTK thừa nhận quá trình vay nợ có cầm cố thế chấp tài sản. Công ty đã nhiều lần trả nợ gốc và lãi nhưng không có số liệu chính xác và yêu cầu ngân hàng cung cấp bảng kê chi tiết gốc và lãi. Đại diện công ty cũng đề nghị cho trả nợ gốc trong 3 năm và miễn nợ lãi.
Xét thấy việc vay nợ giữa hai bên là có thật và hợp pháp, có giá trị pháp lý, Tòa án đã buộc Công ty BTK phải có trách nhiệm trả khoản nợ gốc và lãi hơn 10 tỷ đồng. Trường hợp Công ty BTK vi phạm nghĩa vụ trả nợ nêu trên thì TPBank được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phát mại tài sản bảo đảm là 2 xe ô tô Toyota và BMW để thu hồi nợ. TPBank cũng có quyền đòi nợ phát sinh từ 2 hợp đồng được ký kết giữa Công ty BTK và các đối tác.
Quyền đòi nợ còn bao nhiêu?
Đáng chú ý, theo trình bày của người đại diện theo pháp luật của Công ty BTK, khi vay ngân hàng, Công ty sử dụng 2 hợp đồng kinh tế để thế chấp quyền đòi nợ. Công ty không tìm hiểu các quy định của ngân hàng về cho vay, chỉ thực hiện theo yêu cầu của cán bộ ngân hàng cung cấp bản sao hợp đồng, bản sao Giấy đăng ký kinh doanh... Quá trình nghiên cứu hồ sơ, ngân hàng không thông báo gì với Viglacera, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Đồng thời, người đại diện cho biết thêm, hợp đồng giữa Công ty BTK và Ban Quản lý đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã được quyết toán. Hiện Ban quản lý còn nợ khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng Công ty BTK chưa nhận được tiền.
Tuy nhiên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc cho biết, hợp đồng giữa 2 bên đã thanh quyết toán, thanh lý hợp đồng và không liên quan gì đến TPBank. Đơn vị này đã chuyển khoản 2 lần cho Công ty BTK, lần 1 chuyển khoản vào tài khoản tại TPBank, lần 2 chuyển vào tài khoản tại SHB theo đúng thỏa thuận với đơn vị thi công.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, TPBank cho vay nhưng không tìm hiểu xem hợp đồng giữa BTK và Ban Quản lý đã thực hiện đến đâu, đã thanh toán hết chưa.
Về hợp đồng với Viglacera, đại diện Công ty BTK trình bày không nắm rõ, Phó giám đốc công ty là người được giao thực hiện thanh lý hợp đồng. Vị Phó giám đốc này tự ý làm công văn chuyển tiền đến SHB và đã nghỉ việc từ năm 2016.
Đại diện Viglacera thì cho rằng việc khởi kiện của TPBank không liên quan tới Viglacera. Viglacera đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng, còn 5% là giá trị bảo hành. Viglacera đã chuyển tiền đúng hợp đồng và không liên quan đến giao dịch của BTK và ngân hàng.