Năm 2013, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG, UpCOM, tiền thân là CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang) - bên bán và Công ty TNHH Nguyên Duy Nga (tại An Giang) - bên mua đã ký hợp đồng mua bán thuốc bảo vệ thực vật.
Để bảo lãnh mua hàng, hai công ty ký hợp đồng thế chấp 9 bất động sản bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Sau khi ký các hợp đồng kinh tế, hai bên đã thực hiện đầy đủ các nội dung.
Đến năm 2016, Công ty Nguyên Duy Nga nợ số tiền gốc là hơn 4 tỷ đồng và tiền lãi phạt là hơn 525 triệu đồng. Hai bên đã xác nhận số nợ trên. Mặc dù Công ty Lộc Trời nhiều lần đòi nợ nhưng Công ty Nguyên Duy Nga không thực hiện. Do đó, LTG đã khởi kiện ra tòa án.
Khi khởi kiện, Công ty Lộc Trời đưa ra yêu cầu, trong trường hợp đối tác không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ tiền nợ, Lộc Trời sẽ xử lý các tài sản thế chấp. Tuy nhiên, khi tòa án thụ lý, Công ty đã rút yêu cầu giải quyết đối với 2 hợp đồng thế chấp. Trong quá trình tố tụng, Lộc Trời cung cấp bản hợp đồng, phụ lục hợp đồng, báo cáo chi tiết nợ quá hạn từ ngày 1 - 30/4/2016 và ngày 1 - 30/4/2018 kèm giấy xác nhận công nợ.
Mặc dù là đối tượng bị khởi kiện song Công ty Nguyên Duy Nga “bặt vô âm tín”, không gửi văn bản nêu ý kiến của mình, không tham dự phiên tòa và không cung cấp chứng cứ.
Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã căn cứ vào những chứng cứ mà Công ty Lộc Trời cung cấp, xác định hai công ty có hợp đồng mua bán và bị đơn còn nợ tiền gốc là hơn 4 tỷ đồng.
Về khoản tiền lãi, theo Điều 306 Luật Thương mại 2005 và án lệ số 09/2016 thì Công ty Lộc Trời được quyền yêu cầu trả lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả và lãi suất được tính theo mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất 3 ngân hàng tại địa phương.
Hội đồng xét xử tạm tính số tiền lãi chậm thanh toán là 13,5% tương đương với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên Công ty Lộc Trời chỉ yêu cầu số tiền lãi là 525 triệu đồng, thấp hơn so với số tiền có quyền yêu cầu, nên tòa án chấp thuận đơn khởi kiện của Công ty. Như vậy, số tiền Công ty Nguyên Duy Nga phải thanh toán cho Công ty Lộc Trời là 4,5 tỷ đồng.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, các tài sản thế chấp, bảo đảm trong vụ việc này đã được thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm cho Tập đoàn Lộc Trời theo quy định pháp luật. Căn cứ theo quy định pháp luật, Tập đoàn được ưu tiên thanh toán khi xử lý các tài sản thế chấp này. Do đó, quyền lợi của Tập đoàn Lộc Trời trong vụ việc này được bảo đảm, có đầy đủ cơ sở pháp lý và khả năng thực tế để thu hồi được toàn bộ số nợ của Công ty Nguyên Duy Nga.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể “thuận lợi” giải quyết các vụ việc có liên quan tới hợp đồng thế chấp khi nảy sinh vấn đề trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, bởi trong nhiều trường hợp, các giao kết thường được “làm tắt”.
Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty luật hợp danh Bross và cộng sự) cho biết, về mặt pháp luật, giữa các hợp đồng mua bán mà một bên có nghĩa vụ với bên kia thì có thể thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ. Bất động sản là một trong những tài sản có thể đem ra để thế chấp, tuy nhiên cần phải tuân theo các quy định pháp luật của tài sản này.
Cụ thể, các bên buộc phải ký hợp đồng thế chấp có công chứng và đăng ký tại văn phòng giao dịch bảo đảm. Nếu hợp đồng thế chấp giữa các bên tuân thủ về mặt hình thức thì có thể có giá trị thực hiện.
“Có một thực tế là trong giao dịch, các bên chỉ đưa cho nhau giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi nhận trong hợp đồng thế chấp. Giao dịch trên về nguyên tắc là chưa đảm bảo về mặt hình thức pháp luật nên khi xảy ra tranh chấp, tòa án có thể sẽ tuyên bố giao dịch thế chấp vô hiệu”, luật sư Thái nói thêm.