Đầu tiên là thương mại, sau đó đến công nghệ và giờ đây là nhân tài. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nhắm mục tiêu vào những công dân ưu tú và sáng giá nhất của Trung Quốc ở Mỹ, xem xét kỹ lưỡng các nhà nghiên cứu có mối liên hệ với Bắc Kinh và hạn chế thị thực đối với sinh viên Trung Quốc.
Một số sinh viên mới tốt nghiệp và học giả Trung Quốc cho biết những tuần gần đây, môi trường học tập và làm việc tại Mỹ ngày càng trở nên kém thân thiện.
Đại học Emory đã sa thải hai giáo sư người Mỹ gốc Hoa hôm 16/5 và Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm qua cảnh báo sinh viên cần cẩn trọng khi xin học tại Mỹ trong bối cảnh số lượng visa du học bị từ chối ngày càng tăng.
"Tôi hồi hộp, lo âu và buồn vì xung đột không cần thiết", Liu Yuanli, người sáng lập chương trình Sáng kiến Trung Quốc thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard, hiện là hiệu trưởng trường Y tế Công cộng thuộc Liên hiệp Đại học Y khoa Bắc Kinh, chia sẻ. "Việc hạn chế đối với các học giả và sinh viên Trung Quốc là không đúng đắn, đi ngược lại những giá trị cốt lõi vốn biến Mỹ thành một quốc gia tuyệt vời".
Bước phát triển mới nhất này làm bật lên cách mà xung đột thương mại thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ phụ thuộc lẫn nhau đến hoài nghi chồng chất.
Tổng thống Trump đã mở rộng các biện pháp kiềm chế hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đã lập một danh sách những thực thể nước ngoài "không đáng tin cậy" kể từ sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên sụp đổ hồi đầu tháng trước, khiến thế giới lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Giáo dục suốt hàng thập kỷ qua là một khía cạnh quan trọng trong hợp tác Mỹ - Trung. Năm ngoái, Mỹ đón 360.000 học sinh, sinh viên Trung Quốc, nhiều nhất trong số các quốc gia có sinh viên theo học tại Mỹ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại vì chiến tranh thương mại với số sinh viên năm ngoái chỉ tăng 3,6%, bằng một nửa so với năm trước đó. Trong ba tháng đầu năm nay, tỷ lệ sinh viên có học bổng do chính phủ Trung Quốc cấp bị từ chối visa vào Mỹ đã tăng 13,5%.
Theo một số nghiên cứu sinh tiến sĩ Trung Quốc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), quá trình xin gia hạn visa hàng năm, trước đây mất khoảng ba tuần nhưng hiện kéo dài tới vài tháng.
Một người cho biết các sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc đang có xu hướng lựa chọn phương án về nước sau khi tốt nghiệp vì lo lắng rằng tình trạng kiểm soát chặt chẽ đối với người Trung Quốc sẽ tiếp diễn trong nhiều năm nữa.
"Hành động của phía Mỹ đang gây khó khăn cho hoạt động trao đổi và hợp tác giáo dục Mỹ - Trung", Xu Yongji, phó giám đốc Vụ Hợp tác Giáo dục và Trao đổi Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 3/6 nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
"Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ sửa chữa những hành động sai lầm càng sớm càng tốt, giữ thái độ tích cực hơn, thực hiện những biện pháp hữu ích để thúc đẩy trao đổi và hợp tác giáo dục song phương".
Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ trích cái mà họ gọi là các cáo buộc vô căn cứ về những "hoạt động gián điệp phi truyền thống" mà Washington đưa ra với Bắc Kinh.
Lo lắng vẫn tồn tại bất chấp những tiến bộ mà Trung Quốc tuyên bố đạt được sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina hồi năm ngoái.
Dù truyền thông Trung Quốc nói Trump đã tái khẳng định mong muốn của Mỹ được đón tiếp sinh viên, học sinh Trung Quốc, Nhà Trắng không đề cập tới bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề này.
Chính quyền Trump trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 tuyên bố sẽ xem xét lại các thủ tục cấp visa và cân nhắc đặt ra những hạn chế nhất định đối với các sinh viên khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học từ một số quốc gia nhằm đảm bảo tài sản trí tuệ không rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Tháng 6 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay sẽ giới hạn thị thực đối với các sinh viên Trung Quốc theo học ngành khoa học và kỹ thuật.
Vài trường đại học Mỹ đã có những động thái hưởng ứng chính sách của chính quyền, ví dụ Đại học Emory đã sa thải một nhà nghiên cứu về gen của Trung Quốc hay Trung tâm Ung thư M.D. Anderson thuộc Đại học Texas cũng sa thải ba nhà nghiên cứu vì liên quan tới một cuộc điều tra về nguy cơ quỹ nghiên cứu liên bang bị thế lực nước ngoài lợi dụng.
Tuy nhiên, một số người đã lên tiếng chống lại xu hướng trên, bao gồm Chủ tịch Đại học Yale Peter Salovey. Trong một bức thư mở gửi đi ngày 23/5, ông khẳng định Đại học Yale vẫn "kiên định giữ cam kết" với những tài năng nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ủng hộ lập trường của Salovey, nhấn mạnh việc trao đổi văn hóa và nhân sự giữa hai quốc gia "không nên bị chính trị hóa".
Việc hạn chế cấp visa đang làm gia tăng làn sóng cử nhân, học giả, chuyên gia Trung Quốc trở về nước sau khi học tập, làm việc tại Mỹ. Đại học Tế Nam, một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc, đã cam kết sẽ nhận giáo sư Li và đội ngũ nhân viên phòng thí nghiệm của ông sau khi ông bị Đại học Emory sa thải. Các công ty Trung Quốc cũng đang tích cực tiếp cận những nhân viên trở về từ Thung lũng Silicon Mỹ.
"Tất nhiên, chúng tôi vui mừng được đón họ, nếu họ là những người chúng tôi cần", nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei Nhậm Chính Phi, tuần trước cho hay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ít lần kêu gọi "đổi mới bản địa" trong các ngành công nghệ cốt lõi kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2012.
Trung Quốc đang thúc đẩy cải cách giáo dục đại học. Mỹ năm 2018 đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Toàn cầu, trong khi Trung Quốc xếp thứ 17.
"Không thể dựa vào Mỹ về công nghệ và đổi mới. Trung Quốc từ lâu đã hiểu được điều đó", Suisheng Zhao, giám đốc Trung tâm Hợp tác Mỹ - Trung tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Korbel thuộc Đại học Denver, Mỹ, nói. "Trung Quốc không có cách nào tốt hơn là tự phát triển tài năng công nghệ cao của riêng mình".