Nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang làm gia tăng nguy cơ về một cuộc suy thoái vào năm tới nếu tranh chấp tiếp tục kéo dài.
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại sàn giao dịch chứng khoán ở Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 20/5. Ảnh:VCG. Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại sàn giao dịch chứng khoán ở Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 20/5. Ảnh:VCG.

Hai tuần trước, Washington và Bắc Kinh tưởng chừng sắp đạt được một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại gây tổn thương cho cả đôi bên. Tuy nhiên, xung đột bắt đầu leo thang khi Mỹ nâng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc hôm 10/5 và chuẩn bị áp thuế với tất cả hàng hóa Trung Quốc vào cuối năm nay. Sau đó, Bắc Kinh trả đũa bằng đòn thuế tương tự, có hiệu lực từ 1/6.

"Nếu tình hình hiện nay còn kéo dài... chúng ta sẽ phải lo lắng về tăng trưởng", Esty Dwek, người đứng đầu ban chiến lược thị trường toàn cầu tại công ty quản lý đầu tư Natixis, nhận định. "Tôi không cho rằng kinh tế sẽ suy thoái trong năm 2019 nhưng có khả năng kịch bản này sẽ diễn ra vào năm 2020 hoặc sớm hơn so với dự đoán".

Julian Cook, chuyên gia đầu tư danh mục tại công ty quản lý tài sản T. Rowe Price, cho biết hàng rào thuế quan có thể kéo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý hai và quý ba giảm 20 điểm phần trăm, trong khi GDP quý một đã tăng 3,2%.

"Đây không phải mối đe dọa chí mạng từ quan điểm của Mỹ", Cook nói. "Với mọi thứ như bây giờ liệu có dẫn tới suy thoái kinh tế không? Đây không phải đánh giá của chúng tôi". Nhưng Cook lưu ý rằng nếu thế cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì và kéo dài, nguy cơ suy thoái là tiểm ẩn.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể kiểm soát được mức thuế cao trong ngắn hạn nhưng ảnh hưởng lâu dài của nó đến tăng trưởng dường như "đang bị đánh giá thấp".

"Những tác động gây ra đối với niềm tin của doanh nghiệp là khá rõ ràng khi nó được phản ánh bởi các dấu hiệu gần đây trên thị trường chứng khoán", chuyên gia phân tích tín nhiệm David Tesher và Terry Chan tại Standard & Poor lưu ý trong một báo cáo nghiên cứu hồi tuần trước. "Lâu dần, tình trạng này sẽ làm suy yếu ham muốn đầu tư".

Tập đoàn tài chính UBS của Thụy Sĩ kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận trong năm nay nhưng con đường dẫn tới đích "có vẻ gập ghềnh hơn" so với dự đoán.

"Một thỏa thuận vào tháng 6 - 7 so với một thỏa thuận vào tháng 11 - 12 có ý nghĩa rất khác nhau đối với thị trường trong ngắn hạn. Vế thứ hai sẽ khiến Trung Quốc và chứng khoán toàn cầu gặp phải những bất ổn về kinh tế - xã hội và địa chính trị lớn hơn", chiến lược gia tại UBS Wendy Liu nhận xét.

Dù vậy, không ít chuyên gia vẫn lạc quan, cho rằng hiện tại, bàn tới kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu là quá sớm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh:Reuters

"Với chúng tôi, bối cảnh vĩ mô vẫn tích cực do tăng trưởng toàn cầu vẫn dương, ảnh hưởng của các biện pháp tăng thuế hiện nay chưa đủ để tạo ra sự thay đổi đột ngột", Shoqat Bunglawala, chuyên gia tại công ty quản lý tài sản Goldman Sach, cho hay.

"Dù đàm phán có thể tiếp tục kéo dài và các đòn thuế quan vẫn có khả năng gia tăng, ở giai đoạn này, chúng chưa thể khiến chúng tôi cảm thấy lo lắng về viễn cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái".

Ivan Colhoun, nhà kinh tế phụ trách nghiên cứu thị trường tại Ngân hàng Quốc gia Australia, cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại dài hơi có thể sẽ làm gia tăng gánh nặng với tăng trưởng toàn cầu vốn đang chậm chạp. Song theo ông, kinh tế thế giới sẽ chỉ sụt giảm nhẹ thay vì rơi vào suy thoái.

"Nếu hai nước áp đặt hàng rào thuế quan vĩnh viễn, kinh tế sẽ chậm lại, giá sẽ tăng cao. Người tiêu dùng Trung Quốc và Mỹ chịu thiệt hại vì họ phải trả thuế", Colhoun. "Tất cả các bên đều chịu tổn thất ở một mức độ nào đó bởi tăng trưởng toàn cầu suy yếu. Các nước không liên quan tới cuộc chiến thương mại, có thể thu được lợi ích tương đối, nhưng tất cả mọi người sẽ chỉ nhìn thấy tăng trưởng toàn cầu chậm đi".

Robert Carnell, nhà kinh tế tại tập đoàn ING, đứng đầu ban nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá Trung Quốc, khi tiếp cận các cuộc đàm phán thương mại, không nên nghĩ đến việc môi trường toàn cầu sẽ nhanh chóng thay đổi, đặc biệt khi Tổng thống Trump vẫn điều hành nước Mỹ.

"Đây là một quá trình. Mỹ đối đầu Trung Quốc. Mỹ đối đầu châu Âu rồi Mỹ có thể đối đầu bất cứ ai về thương mại. Điều này chỉ chấm dứt khi chúng ta không còn nói về Tổng thống Donald Trump", Carnell bình luận.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục