Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã căng thẳng thương mại suốt 10 tháng qua. Theo ông, vì sao hai bên không đạt được thỏa thuận chấm dứt căng thẳng?
Mỹ là nước có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới. Năm đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ gồm Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản và Đức. Nếu Canada là đối tác xuất khẩu lớn nhất, thì Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất, vì thế thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng lớn nhất. Để cân bằng cán cân thương mại, tạo việc làm, Mỹ đã “nâng cấp” Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thành Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của NAFTA mà Mỹ có lợi hơn so với hai đối tác còn lại.
Riêng với Trung Quốc, bên cạnh vấn đề thâm hụt thương mại, còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách áp đặt chuyển giao công nghệ bắt buộc…
Ngoài ra, còn là vấn đề Triều Tiên khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore và Hà Nội không đạt được kết quả cùng tình hình trên bán đảo Triều Tiên gần đây nóng lên khi Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa. Vì vậy, việc Tổng thống Donald Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên 25% sau gần một năm hai bên tích cực đàm phán nhằm tìm ra lối đi khả dĩ nhất có lợi cho cả hai bên.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra, theo ông, bên nào được lợi?
Không ai, kể cả Mỹ và Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới hưởng lợi khi nổ ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cân đo, đong, đếm về mặt kinh tế, thì Mỹ bị thiệt hại hơn Trung Quốc, vì Mỹ sẽ mất đi nhiều cơ hội khai thác thị trường tiềm năng của Trung Quốc trong bối cảnh sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào Mỹ ngày càng giảm và thị trường tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tăng trưởng mạnh với hơn 300 triệu dân có thu nhập cao.
Nhiều nhà phân tích kinh tế trên thế giới cho rằng, Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc không phải là thảm họa đối với nước này, bởi Mỹ cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Mỹ. Quy mô kinh tế của Trung Quốc hiện đã vươn lên thứ 2 thế giới, khác xa so với cách đây 20-30 năm. Hiện nay, Trung Quốc đã có phần lớn những gì mà họ cần và những thứ họ không có cũng dễ dàng có được từ những nước khác ngoài Mỹ.
Hơn nữa, mặc dù thị trường Mỹ còn hấp dẫn, nhưng đang dần bão hòa, trong khi nhiều thị trường mới nổi khác ngày càng quan tâm sự thu hút của Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc là hàng tiêu dùng và vốn (trái phiếu chính phủ Mỹ).
Không bán hàng được vào Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm đến thị trường khác, không đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ (hiện Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.130 tỷ USD), Trung Quốc có thể cho các nước khác vay. Đây là cơ hội để các nước đang phát triển cần vốn để đầu tư như Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
Với Trung Quốc thì sao, thưa ông?
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm khoảng 4% GDP và 20% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này. Hơn nữa, giá trị gia tăng từ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ chiếm đến 3% GDP của Trung Quốc, nên khi dòng chảy hàng hóa vào Mỹ bị giảm, sẽ tác động ngay tới tăng trưởng kinh tế.
Khi đã “quyết chiến” với Trung Quốc, Mỹ sẽ tìm cách liên kết với EU, Nhật Bản thành một trận tuyến. Các nhà phân tích trên thế giới cho rằng, Mỹ với EU và Nhật Bản dù có nhiều điều không đồng quan điểm, nhưng dễ dàng tìm được tiếng nói chung khi sát cánh với nhau để đối phó với Trung Quốc. Bởi vì, các doanh nghiệp Mỹ, EU, Nhật Bản đều bày tỏ sự bất bình trước việc vi phạm sở hữu trí tuệ, bị buộc phải chuyển giao công nghệ, các ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc cho doanh nghiệp bản địa.
Nếu các bất đồng thương mại, bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm được giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ, EU và nhiều nước khác công nhận là nền kinh tế thị trường. Điều này là bất lợi lớn đối với Trung Quốc. Mỹ vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Trung Quốc, khi căng thẳng thương mại nổ ra, cánh cửa đầu tư vào thị trường hấp dẫn bậc nhất thế giới này của doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn.
Tổng quan lại, thì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế 2 nước, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, tác động tới hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch, tạo việc làm… trên phạm vi toàn cầu.
Ông có nghĩ rằng, kinh tế Việt Nam cũng bị tác động bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?
Lượng hàng hóa “Made in China” vào thị trường Mỹ giảm sẽ tìm cách đổ bộ vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, do vị trí địa lý thuận lợi, nên lượng hàng dư thừa sản xuất tại Trung Quốc dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam. Với lợi thế cạnh tranh về giá cả, mẫu mã, nên hàng Trung Quốc sẽ gây sức ép rất lớn lên sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tìm cách giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh.
Tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; sắt thép; chất dẻo; xăng dầu; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép; hóa chất… vô cùng lớn. Khi hàng hóa giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bị hạn chế vào thị trường của nhau, thì doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được mua hàng là đầu vào của sản xuất với giá rẻ hơn, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất trong nước, gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là lấp khoảng trống tại thị trường Trung Quốc và Mỹ.
Mức thuế suất áp dụng đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ vào khoảng 10%, bằng với hàng Trung Quốc trước đây, bây giờ hàng nhập khẩu của Trung Quốc bị áp thuế 25% là cơ hội rất lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt là hàng may mặc, giày dép.
Như vậy, có thể nói, Việt Nam được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thưa ông?
Không có bất cứ nền kinh tế nào được hưởng lợi do bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch, “ngăn sông, cấm chợ”. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, theo đó nhu cầu chi tiêu, đầu tư, hoạt động thương mại, du lịch giảm. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thuộc hàng lớn nhất thế giới, là nền kinh tế hấp dẫn đầu tư hàng đầu thế giới, là địa điểm du lịch ngày càng được du khách quốc tế tìm đến, nên khi hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch giảm, sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam.
Ngay cả Việt Nam có thể gia tăng được xuất khẩu mặt hàng chế biến, chế tạo nhờ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu, phụ liệu, thiết bị, phụ tùng, linh kiện giá rẻ, thì lợi nhuận chủ yếu rơi vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đơn cử, năm 2018, có 29 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD), chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì tỷ trọng xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó điện thoại và linh kiện là 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 95,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm hơn 89%; hàng dệt may gần 60%.