Nhân sự cao cấp ngân hàng vẫn thiếu trước, hụt sau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng ngày càng dồi dào, nhưng nhân sự cao cấp vẫn luôn thiếu trước, hụt sau… Đặc san Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc, Navigos Search xung quanh câu chuyện này.
Ngân hàng tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa dẫn đến tăng nhu cầu về các vị trí liên quan đến IT, công nghệ, dữ liệu… Ngân hàng tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa dẫn đến tăng nhu cầu về các vị trí liên quan đến IT, công nghệ, dữ liệu…

Đại dịch Covid khiến câu chuyện nhân sự tại nhiều doanh nghiệp có những xáo trộn. Tuy nhiên, nhân sự ngành ngân hàng dường như không bị ảnh hưởng nhiều. Theo bà, nguyên nhân của câu chuyện này là gì?

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc, Navigos Search

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc, Navigos Search

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, bao gồm cả tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, tác động đối với ngành tài chính - ngân hàng không quá lớn so với các ngành khác và cũng không hoàn toàn tiêu cực.

Trước hết, điều này xuất phát từ bản chất của hoạt động ngân hàng. Ngân hàng là một lĩnh vực thiết yếu, nên kể cả trong những giai đoạn đại dịch diễn biến căng thẳng, phải giãn cách xã hội thì các ngân hàng vẫn được duy trì hoạt động. Hơn nữa, ngân hàng có nhiều nghiệp vụ được thực hiện trên hệ thống cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, tự động hóa, nên các ngân hàng ngày càng ít bị phụ thuộc vào các kênh vật lý, giao dịch trực tiếp, đồng thời có thể cung cấp nhiều dịch vụ tiện lợi không chỉ cho khách hàng cá nhân, mà cho cả khách hàng doanh nghiệp.

Mặc dù đại dịch làm đình trệ nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng không thể đình lại nhu cầu về giao dịch tài chính, dòng tiền. Trên thị trường vẫn còn nhiều lĩnh vực tiếp tục phát triển, hoặc ít bị ảnh hưởng do đại dịch. Nhu cầu sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu vẫn rất lớn. Các dự án đầu tư vẫn xuất hiện, vì vậy cần ngân hàng cung ứng dịch vụ.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng, đại dịch Covid-19 mang đến những tác động cả tích cực và tiêu cực đối với ngành ngân hàng. Đầu tiên, dịch bệnh làm hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Điều này ảnh hưởng đến bộ phận sales trong việc gặp mặt và tư vấn trực tiếp đối với các khách hàng.

Thứ hai, ngân hàng cũng có nhiều khách hàng chủ chốt là các doanh nghiệp, cá nhân ở trong các lĩnh vực bị ngưng trệ do đại dịch, nên cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng do nợ xấu, nợ khó đòi, giảm tăng trưởng tín dụng, giao dịch hay thu phí…

Thứ ba, đại dịch khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và chịu áp lực giảm lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước. Điều này dẫn đến tình trạng báo lãi không như kỳ vọng và một số ngân hàng cũng có những giai đoạn đưa ra chính sách giảm lương, thưởng, đặc biệt đối với nhân sự ở cấp lãnh đạo. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến lực lượng lao động nội bộ của ngân hàng, trong đó tình trạng người lao động nhiễm Covid cùng một lúc với số lượng lớn khá phổ biến ở nhiều trụ sở, đơn vị kinh doanh của ngân hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các gói hỗ trợ và chính sách ưu đãi từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với doanh nghiệp và cá nhân được thực hiện thông qua ngân hàng đã đem đến những kết quả tích cực cho chính các ngân hàng, từ đó nhiều ngân hàng vẫn có thể duy trì các chế độ đãi ngộ khá tốt cho người lao động.

Thực tế cho thấy, các ngân hàng đang ồ ạt tuyển dụng nhân sự ngay từ đầu năm. Theo bà, đây liệu có phải là diễn biến chính trong năm 2022, hay chỉ là nhất thời?

Việc tuyển dụng tại các ngân hàng không hẳn là ồ ạt. Thực tế, có những vị trí tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao, tăng cường từ năm 2021 và có thể vẫn tiếp diễn trong năm 2022. Tuy nhiên, với yêu cầu tuyển dụng ngày càng nâng cao, tập trung vào các kỹ năng, chuyên môn khó và hiếm, nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng khó tuyển dụng, thiếu hụt lao động.

Với yêu cầu tuyển dụng ngày càng nâng cao, tập trung vào các kỹ năng, chuyên môn khó và hiếm, nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng khó tuyển dụng, thiếu hụt lao động.

Một khảo sát gần đây của Navigos cho biết, vị trí IT và sale được các ngân hàng tuyển dụng mạnh. Bà có thể cho biết tại sao?

Ngân hàng tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa, dẫn đến tăng nhu cầu về các vị trí liên quan đến IT, công nghệ, dữ liệu… Những vị trí này đặc biệt tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao nhưng lại rất khó tìm kiếm và cần đầu tư nhiều chi phí do tính cạnh tranh trên toàn thị trường. Thêm vào đó, định hướng chuyển đổi số đã được nhiều ngân hàng thực hiện từ 3-5 năm trước đây, nhưng chủ yếu là các ngân hàng lớn có tiềm lực mạnh mới có khả năng đón đầu. Tuy nhiên, trong khoảng năm 2021 - 2022, nhiều ngân hàng từ nhỏ đến lớn phải bước vào cuộc đua này. Một phần do các ngân hàng cần phải cạnh tranh với nhau, một phần nữa là tác động của đại dịch khiến ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Đối với các vị trí sales, giai đoạn này, các ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều cho mảng khách hàng cao cấp, khách hàng ưu tiên, tập trung vào các sản phẩm dịch vụ cao cấp và phức tạp như đầu tư, bảo hiểm và quản lý tài sản. Vì vậy, đối với các vị trí này thì ngân hàng thường tuyển ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng tốt.

Có ý kiến cho rằng, các lãnh đạo nên thay đổi dần quan điểm “săn” người. Thay vì tuyển ồ ạt “công nhân ngân hàng”, hãy là “cán bộ ngân hàng cao cấp” để nhận diện và định vị thương hiệu của ngân hàng được nâng tầm. Bà có nhận định gì?

Có thể thấy, nhu cầu tuyển dụng tại các ngân hàng thay đổi rất nhanh và rõ rệt.

Bản thân các ngân hàng sẽ hiểu rõ nhất cái họ cần và những yêu cầu của họ là gì. Nhờ có sự phát triển của mạng xã hội và hệ thống thông tin nên họ có thể tự tìm kiếm và tiếp cận ứng viên như họ mong muốn. Trước đây, các ngân hàng thường ưa chuộng các ứng viên có nền tảng và đã có kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng khác. Nhưng bây giờ, yêu cầu chuyển đổi và phát triển kinh doanh của các ngân hàng thay đổi, nên họ cần nhân sự có tư duy và năng lực phù hợp với chiến lược của họ, thậm chí một số vị trí không quan trọng là ứng viên đó thuộc lĩnh vực nào trước đây.

Bên cạnh đó, các ngân hàng luôn áp dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, nhưng thực tế nguồn nhân sự hiện tại không hoàn toàn đáp ứng được cả về chất và lượng. Do đó, nhiều ngân hàng lớn chịu chi trả những khoản tiền đáng kể để “săn” ứng viên từ nước ngoài về. Trong năm 2021, tuyển dụng Việt kiều được ưu tiên hơn tuyển nhân sự nước ngoài (expatriate) do ứng viên Việt kiều có lợi thế hơn khi ít nhiều vẫn hiểu văn hóa Việt Nam, hiểu tiếng Việt và dễ dàng thích nghi hơn. Các nhân sự này đặc biệt được săn đón trong các mảng then chốt như công nghệ thông tin, sản phẩm, quản trị rủi ro, khách hàng cao cấp, am hiểu khách hàng.

Nhiều ngân hàng đã dần triển khai tự động hoá các quy trình nghiệp vụ bằng robot (RPA). Liệu RPA có thay thế được con người? Theo bà, đây có phải là điều cả nhà tuyển dụng và người đi tuyển dụng cần chú ý?

Có thể thấy, các hoạt động tại ngân hàng đang dần trở nên tiện lợi, nhanh gọn và thuận lợi hơn cho con người như giao dịch, làm thẻ, xử lý sự cố… thông qua chuyển đổi số và tự động hóa. Bộ phận giao dịch viên tại ngân hàng cũng vì thế mà giảm mạnh và có xu hướng giảm thêm nữa. Nhiều thao tác, quy trình nghiệp vụ đang dần được tự động hóa hoặc số hóa. Tuy nhiên, không hẳn RPA có thể thay thế con người để thực hiện tất cả các thao tác và các công việc. Đặc biệt, đội ngũ chăm sóc khách hàng, tư vấn viên, sales còn đang được tuyển dụng khá nhiều tại các ngân hàng.

Thực tế, nhà tuyển dụng hoàn toàn hiểu về những gì đang diễn ra, nhưng người đi tìm việc thì cần lưu ý về điều này. Một số trường đại học, cao đẳng có chương trình đào tạo không bám sát thị trường, không cập nhật hay chậm cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới trong chương trình, dẫn đến nhiều sinh viên mới tốt nghiệp rơi vào tình trạng thiếu kỹ năng và kinh nghiệm, tư duy chậm và không nhạy bén. Bên cạnh đó, có bộ phận học sinh, sinh viên không được cập nhật thông tin hiệu quả từ gia đình, do cha mẹ cũng không được tiếp nhận, cập nhật nguồn thông tin mới, nên không giúp đỡ được các con trong việc định hướng nghề nghiệp.

Liên quan đến mối liên hệ giữa nhà trường với ngân hàng, tôi muốn đề cập thêm là, ngày nay, cũng có các ngân hàng sẵn sàng tuyển các vị trí fresher, internship và các ứng viên tiềm năng thông qua các chương trình Internship, Management Trainee. Các vị trí này thường tập trung ở các bộ phận cần đào tạo bài bản theo bản chất, đặc điểm của ngân hàng như bán hàng, chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhà trường và các ngân hàng, đơn vị tuyển dụng có thể bắt tay hợp tác trong việc tạo nguồn, định hướng cho sinh viên và truyền thông thương hiệu.

Nhuệ Mẫn thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục