Cuộc chiến sống còn
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank cho biết, hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ đã giúp Ngân hàng có thêm lượng lớn khách hàng mới. Khi TPBank bắt đầu thực hiện tái cơ cấu cách đây 10 năm, Ngân hàng mới chỉ có 50.000 khách hàng, nhưng hiện nay có tới 5 triệu khách hàng.
Tại MB, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho hay, trong cấu trúc 16.000 nhân sự của Tập đoàn có 1.500 nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ và số hóa. Với nguồn lực hùng hậu về công nghệ, MB liên tục triển khai các sáng kiến mới, riêng năm 2021 tạo ra 250 tính năng mới cho sản phẩm, tác động trực tiếp đến khách hàng sử dụng các app MBBank. Theo đó, số lượng khách hàng dùng app MBbank tăng 3,1 lần trong năm 2021, giao dịch trên ngân hàng số tăng 4,3 lần. Số lượng khách hàng mới đến với MB trong 1 năm gần bằng 26 năm trước đây.
Tìm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ để thực hiện các dự án chuyển đổi số như “đãi cát tìm vàng”.
MB hiện có 13 triệu khách hàng, trong đó 11 triệu khách hàng dùng nền tảng số. Năm 2022, MB đẩy mạnh triển khai các sáng kiến chiến lược hướng tới “Chuyển đổi số toàn diện - Hiệp lực tăng trưởng doanh thu”, tiếp tục dẫn đầu thị trường về số lượng thu hút khách hàng mới trên kênh số, phát triển nhà máy số, mở rộng hệ sinh thái số, ứng dụng công nghệ Agility, phát triển nền tảng ngân hàng giao dịch CIB, ngân hàng dịch vụ (BAAS)…
Theo ông Thái, sự đầu tư bài bản và tự chủ giúp MB chủ động mở rộng không gian tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy sự tối ưu về mạng lưới và năng suất lao động của nhân sự Tập đoàn. Năng lực công nghệ hiện nay của MB đủ sức phục vụ 10 - 30 triệu khách hàng và 35% hồ sơ cho vay đã được tự động hóa.
Với SHB, ngân hàng này xác định chuyển đổi số là một trong các trụ cột chiến lược, nên năm 2021 đã đầu tư mạnh mẽ cho hiện đại hóa ngân hàng và chuyển đổi số. Theo đó, Ngân hàng nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ để góp phần gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Đến nay, SHB đã lần lượt triển khai thành công nhiều sản phẩm số, đặc biệt là đưa Robot thông minh - sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng vào cung cấp dịch vụ và mở rộng số lượng điểm giao dịch sử dụng robot hỗ trợ khách hàng, triển khai không gian giao dịch số trên toàn hệ thống, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng số được yêu thích nhất.
Trong khi đó, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, Ngân hàng đã sớm xác định hướng đi và lộ trình triển khai ngân hàng mở (Open Banking) từ năm 2017. Hệ thống ngân hàng mở VietinBank iConnect bao gồm 10 cấu phần chính, kết nối với 116 đối tác, cung cấp 148 dịch vụ, trong đó chủ yếu liên quan tới Ví điện tử, ERP, kiều hối và thu chi hộ.
Còn tại Techcombank, Tổng giám đốc Jens Lottner đánh giá: “Mobile Banking của Techcombank đã có mức độ tiên tiến rất nhiều và không thua kém so với ứng dụng Mobile Banking của DBS, một ngân hàng rất tốt ở Singapore”.
Được biết, ông Jens Lottner là chuyên gia về công nghệ ngân hàng và chuyển đổi số. Trước khi nhận vị trí Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner là Giám đốc Tài chính, Giám đốc Chiến lược, Giám đốc Chuyển đổi và Giám đốc Dữ liệu tại Ngân hàng thương mại Siam, Thái Lan. Trước đó, ông có nhiều năm gắn bó với McKinsey - tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới mà nhiều ngân hàng Việt đã và đang hợp tác trong chiến lược chuyển đổi hoạt động những năm qua.
Để giúp Techcombank bứt phá thành công trong chiến lược 2021 - 2025, ông Jens Lottner nhấn mạnh, đó là “Dữ liệu” cùng với hai chân kiềng “Số hóa - Nhân tài”.
Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá, giai đoạn 2020 - 2025, chuyển đổi số, ngân hàng số, hệ sinh thái là những mục tiêu đang được nhiều ngân hàng theo đuổi. Thành công bước đầu đã đến với những ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhờ nắm giữ được nhiều dữ liệu.
Dự án công nghệ thiếu nguồn nhân lực chất lượng
Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank Đỗ Anh Tú nêu quan điểm, khi các ngân hàng đều ứng dụng công nghệ trong hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có tác động hai mặt, nhưng người nào đi trước có lợi thế của người đi trước trong cạnh tranh.
“TPBank không lo sợ mất dần lợi thế, dù các ngân hàng khác cũng đầu tư mạnh cho ngân hàng số. TPBank đang đi trước các ngân hàng khác về công nghệ”, ông Tú nói.
Theo lãnh đạo TPBank, gần 50% chi phí của Ngân hàng là dành cho việc trả lương cho nhân viên, nếu trả lương thấp thì không thể cạnh tranh với các ngân hàng khác. TPBank tập trung vào phát triển ngân hàng số, trong khi lương của nhân sự trong lĩnh vực này trên thị trường đã tăng gấp 3 lần so với cách đây 2 - 3 năm. Nếu không chấp nhận trả lương cao cho nhân sự, Ngân hàng sẽ không có người giỏi làm việc và sinh ra nhiều hệ luỵ, trong khi đầu tư vào công nghệ tốn chi phí khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban điều hành, Giám đốc Khối Ngân hàng số MB cho biết, ngân hàng lõi (core banking) của MB được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kĩ sư công nghệ thông tin nội bộ, thay vì phụ thuộc vào đối tác thứ ba. Đó là lý do nhiều tính năng mới trên app MBBank được phát triển và chủ động nâng cấp chỉ trong 24 giờ.
Trong vấn đề có liên quan, ông Jens Lottner cho hay, giai đoạn 2021 - 2025, Techcombank đã xác định tổng vốn đầu tư vào công nghệ là 500 triệu USD. Ngân hàng đã và đang đầu tư khoảng 15 - 20% trong tổng vốn đầu tư và sẽ tiếp tục tăng tốc đầu tư công nghệ trong vài năm tới.
Ông Jens Lottner chia sẻ, chi phí đầu tư vào công nghệ trước đây và hiện nay rất khác nhau. Trước đây, đầu tư vào công nghệ là hệ thống hay còn gọi là tài sản công nghệ. Nhưng hiện nay, đầu tư vào công nghệ là phần mềm hay còn gọi là chi phí vận hành hàng ngày nên sẽ có những chính sách khấu hao khác nhau.
“Những năm đầu, Techcombank chi chưa nhiều, nhưng các năm sau, việc tăng tốc chi tiêu chắc chắn sẽ xảy ra. Không phải là Techcombank không có tiền hay không có quyết tâm, mà vấn đề ở đây là cần phải có đủ lực lượng cán bộ có kỹ năng, năng lực để thực hiện tiến trình này. Thực hiện những dự án công nghệ là điều không hề dễ dàng”, ông Jens Lottner nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, tìm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ để thực hiện các dự án chuyển đổi số như “đãi cát tìm vàng”. Việc thiếu hụt nhân sự chất lượng là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến trình chuyển đổi số của một số ngân hàng trở nên chậm chạp.
Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam quý I/2022 và dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2022 của Navigos Group vừa công bố cho biết, định hướng chuyển đổi số đã được không ít ngân hàng thực hiện từ 3 - 5 năm trước đây, nhưng chủ yếu là các ngân hàng lớn có tiềm lực mạnh. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, rất nhiều ngân hàng từ nhỏ đến lớn đều bước vào cuộc đua này. Một phần do các ngân hàng cần tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, một phần do tác động của đại dịch Covid-19 khiến ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
“Do các ngân hàng tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa… nên dẫn đến việc tăng nhu cầu tuyển dụng về các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin, dữ liệu, kiến trúc giải pháp... Những vị trí này đặc biệt tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao, nhưng lại rất khó tìm kiếm và cần đầu tư nhiều chi phí do tính cạnh tranh trên toàn thị trường”, báo cáo của Navigos Group cho biết.