Ngân hàng tuần qua: Rầm rộ báo lãi lớn; lập sàn bán nợ; xáo trộn nhân sự cấp cao

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2021, sàn giao dịch nợ xấu chính thức hoạt động, sửa điều kiện vay trả lương ngừng việc… là những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng tuần qua.
Tuần qua, các ngân hàng bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 Tuần qua, các ngân hàng bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 3/2021

Ngân hàng rầm rộ báo lãi lớn

Tuần này, một số ngân hàng đầu tiên đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với mức lãi kỷ lục. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kiên Long (HOSE: KLB) báo lãi 72,8 tỷ đồng trong quý 3/2021, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là trong quý, thay vì phải trích lập dự phòng thì ngân hàng lại được hoàn nhập dự phòng gần 9,4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng đạt 878 tỷ đồng, cao gấp 6 lần cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB; HoSE: NVB) cũng công bố lợi nhuận quý 3 lên tới 80 tỷ đồng, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do kỳ này không còn các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc (cùng kỳ năm ngoái phải trích 170 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, ngân hàng lãi ròng hơn 164,4 tỷ đồng, gấp 7,8 lần cùng kỳ năm 2020.

Tuần trước, TPBank cũng công bố kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm với tín dụng tăng 15%, lợi nhuận đạt 4.400 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng khác chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021, song theo ước tính của SSI, lợi nhuận quý 3/2021 của n hiều ngân hàng tiếp tục tăng khả quan, cao nhất là Techcombank với 5.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức 35,7% so với cùng kỳ.

Chính phủ chính thức trình Quốc hội ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu

Ngày 12/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng được ủy quyền của Thủ tướng, gửi báo cáo của Chính phủ tới Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực trong khi nợ xấu tăng nhanh vì Covid 19, nếu không có luật riêng về xử lý nợ xấu sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu. NHNN cũng cho biết, việc triển khai Nghị quyết 42 hiện nay tồn tại tới 11 vướng mắc và đề nghị luật riêng về xử lý nợ xấu bên cạnh kế thừa Nghị quyết 42 cần sửa đổi, bổ sung thêm một số điều để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, NHNN bổ sung thêm một số quyền hạn cho ngân hàng trong thu giữ tài sản đảm bảo; sửa các thủ tục để có thể Tòa án có thể áp dụng thủ tục rút gọn; hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật vụ án…

Tín dụng tăng 7,42%, không thể bơm tiền dễ dãi tránh trả giá đắt cho tương lai

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Tuy nhiên, huy động vốn lại tăng chậm hơn, chỉ 4,8%.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, không đặt vấn đề giảm thêm lãi suất, vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn huy động của ngân hàng, thực tế huy động vốn ngân hàng đang tăng chậm hơn nhiều tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Lãnh đạo NHNN cũng tái khẳng định quan điểm không hạ chuẩn tín dụng, không bơm tiền ào ạt để tránh phải trả giá đắt trong tương lai.

Để giải quyết vấn đề doanh nghiệp khó khăn bởi covid 19 có thể tiếp cận vốn (dù không đạt chuẩn tín dụng), Phó Thống đốc cho rằng, điều này vượt quá quyền hạn của NHNN và cần sự vào cuộc của Chính phủ, đưa ra giải pháp tổng thể. Theo đó, Chính phủ sẽ đưa ra gói hỗ trợ tín dụng với chính sách cụ thể, xác định rõ đối tượng, lĩnh vực, địa phương… nào được vay vốn, cơ chế vay vốn ra sao.

Các ngân hàng đã hy sinh 27.000 tỷ đồng tiền lãi

NHNN cho biết, lũy kế từ 23/01/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.​

Theo thống kê, thời gian qua, các ngân hàng cũng ủng hộ hơn 3.000 tỷ đồng an sinh xã hội. Như vậy, tổng số tiền mà các tổ chức tín dụng hỗ trợ nền kinh tế lên tới trên 30.000 tỷ đồng.

Đưa sàn giao dịch nợ xấu vào hoạt động

Ngày 15/10, Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức công bố đưa Chi nhánh Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động. Nhiệm vụ của Sàn giao dịch nợ là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ; Trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ. Các giao dịch của Sàn giao dịch nợ phải luôn đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan theo đúng quy định của pháp luật.

Thông qua việc sử dụng các chức năng tư vấn, môi giới Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ hỗ trợ và kết nối người mua và người bán có nhu cầu thật sự để gặp nhau, thương thảo và đi đến hợp tác toàn diện để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. VAMC cho biết Sàn sẽ hoạt động theo hướng không vì mục tiêu lợi nhuận với vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cấp phép Mobile Money không còn vướng mắc gì lớn

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đã nhận được hồ sơ của 3 doanh nghiệp viễn thông lớn (Viettel, MobiFone, VNPT), NHNN đã gửi các hồ sơ sang Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để thẩm định. Sau khi hai bộ có ý kiến phản hồi, NHNN đã gửi cho các doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung và trình lại.

“Hiện tại không còn vướng mắc gì lớn, sau khi nhận được sự đồng thuận của các bộ, chúng tôi sẽ cấp phép Mobile Money cho các doanh nghiệp”, ông Dũng cho hay.

Được cấp phê duyệt triển khai thí điểm từ tháng 3/2021, song đến nay, sau hơn nửa năm, Mobile Money vẫn chưa được cấp phép chính thức, khiến nhiều doanh nghiệp viễn thông sốt ruột.

NHNN cho hay, Mobile Money cần tới 3 bộ quản lý, vì đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán.

Nhân sự ngân hàng biến động

Tuần qua, Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Nam Thương Tín - Vietbank (mã CK: VBB) đã có quyết định về việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Tổng giám đốc Vietbank kể từ ngày 16/10. Theo đó, Hội đồng quản trị Vietbank đã thống nhất miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Lê Huy Dũng theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 16/10/2021 để nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của Hội đồng quản trị. Cùng ngày 16/10 Hội đồng quản trị đã thống nhất bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Trung – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhiệm chức danh Quyền Tổng giám đốc Vietbank.

Trước đó, HĐQT Kienlongbank thông qua quyết định bổ nhiệm ông Trần Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Kienlongbank giữ chức quyền Tổng giám đốc kể từ ngày 15/10/2021. Ông Trần Ngọc Minh thay thế bà Trần Tuấn Anh - người được bổ nhiệm chính thức vào vị trí Tổng giám đốc Kienlongbank kể từ ngày 23/4/2018. Sau khi thôi giữ chức danh Tổng giám đốc, bà Anh tiếp tục công tác tại Kienlongbank với chức danh Thành viên Hội đồng quản trị.

Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 9/2021

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 9/2021, cả nước có tổng cộng 42 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 29,734 tỷ đồng. Toàn bộ được phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ. Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành trong tháng 9, với tổng giá trị phát hành 13.860 tỷ đồng, chiếm 47% tổng giá trị phát hành. Trong đó, có 6.210 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, Vietinbank, VIB, MB.

Trong 9 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 132.300 tỷ đồng. Trong đó có 31.700 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 24%), 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục