Nhận món quà bất ngờ, giới đầu tư ồ ạt xuống tiền

(ĐTCK) Sau phiên chốt lời hôm thứ Năm (4/6), giới đầu tư đã ồ ạt xuống tiền gom lại hàng trong phiên thứ Sáu (5/6) sau khi nhận các thông tin kinh tế tích cực, kéo chứng khoán toàn cầu có phiên khởi sắc.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Theo báo cáo việc làm vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày thứ Sáu, nền kinh tế Mỹ bất ngờ có thêm việc làm trong tháng 5 sau khi chịu tổn thất kỷ lục trong tháng trước, đưa ra tín hiệu sự suy thoái đã chấm dứt, dù con đường phục hồi có thể còn dài.

Cụ thể, theo số liệu vừa công bố, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 5 giảm xuống còn 13,3% từ mức kỷ lục 14,7% trong tháng 4. Tuy nhiên, sự cải thiện này không đồng đều, trong khi tỷ lệ thất nghiệp với người da trắng giảm kỷ lục, thì với người gốc Phi và gốc Á lại tăng.

Cũng theo báo cáo, trong tháng 5 có 2,51 triệu việc làm được tạo ra trong lĩnh vực phi nông nghiệp, sau khi sụt giảm kỷ lục 20,7 triệu việc làm trong tháng 4. Trong khi đó, các nhà kinh tế dự báo sẽ có thêm 8 triệu việc làm bị mất trong tháng 5, nâng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức kỷ lục 19,8%.

Báo cáo việc làm được đưa ra tiếp sau các cuộc khảo sát cho thấy niềm tin của người tiêu dùng, ngành sản xuất và dịch vụ ổn định. Các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại sau khi đóng cửa vào giữa tháng 3 để làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Thông tin kinh tế tích cực trên cùng với đà tăng mạnh của giá dầu thô sau khi OPEC+ thông báo gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục đến tháng 9 thay vì đến tháng 7 như ban đầu đã giúp phố Wall có phiên giao dịch thăng hoa cuối tuần, trong đó Nasdaq suýt chút nữa là phá đỉnh, lịch sử xác lập hồi giữa tháng 2, trong khi Dow Jones và S&P cũng chỉ còn cách đỉnh lịch sử chỉ 8,3% và 5,7%.

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Dow Jones tăng 829,16 điểm (+3,15%), lên 27.110,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 81,58 điểm (+2,62%), lên 3.193,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 198,27 điểm (+2,06%), lên 9.814,08 điểm.

Phố Wall đã có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, trong đó Dow Jones tăng 6,81%, S&P tăng 4,91% và Nasdaq tăng 3,42%.

Chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc trong phiên cuối tuần với sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu ngân hàng, sản xuất ô tô, du lịch trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đã mở cửa trở lại. Bên cạnh đó là các ngân hàng Trung ương liên tiếp tung ra các gói kích thích kinh tế khủng.

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 142,86 điểm (+2,25%), lên 6.484,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 417,12 điểm (+3,36%), lên 12.847,68 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 185,82 điểm (+3,71%), lên 5.197,79 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng mạnh thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 6,71%, chỉ số DAX tăng 10,88% và chỉ số CAC 40 tăng 10,70%. Tuần tăng tốt nhất trong 2 tháng.

Chứng khoán châu Á cũng tràn ngập sắc xanh trong phiên cuối tuần với kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế, cùng với việc nhiều nước mở lại bầu trời, giúp nhóm cổ phiếu hàng không tăng vọt. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông có tuần tăng mạnh nhất 5 năm.

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 167,99 điểm (+0,74%), lên 22.863,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,55 điểm (+0,40%), lên 2.930,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 404,11 điểm (+1,66%), lên 24.770,41 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 30,69 điểm (+1,43%), lên 2.181,87 điểm.           

Trong tuần, Hàn Quốc và Nhật Bản có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong đó chứng khoán Hồng Kông có tuần tăng mạnh nhất 5 năm. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,51%, chỉ số Hang Seng tăng 7,88%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,75% và Kospi tăng 7,50%.

Sự khởi sắc của chứng khoán với kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục trở lại khiến vai trò trú ẩn của vàng bị lu mờ, đẩy giá kim loại quý này lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 5/6, giá vàng giao ngay giảm 28,9 USD (-1,69%), xuống 1.684,0 USD/ounce.% Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 47,2 USD (-2,48%), xuống 1.676,2 USD/ounce.

Giá vàng tương lai có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi giá vàng tương lai cũng quay đầu giảm mạnh sau tuần hồi nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay giảm 2,59%, còn giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 3,49%.

Sự thăng hoa của chứng khoán cùng kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục trở lại với các gói kích thích kinh tế khủng được đưa ra khiến giới phân tích có cái nhìn thận trọng hơn về xu hướng của giá vàng trong tuần mới, trong khi các nhà đầu tư lại đặt cược lớn vào đà tăng trở lại của giá kim loại quý.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời khảo sát có 8 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 47%, thấp hơn rất nhiều con số 87% của tuần trước, có 6 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 35%, cao hơn nhiều con số 7% của tuần trước và 3 người dự báo đi ngang, chiếm 18%.

Trong khi đó, trong 1.367 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 842 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 62%, cai hơn con số 57% của tuần trước; 282 lượt dự báo giá giảm, chiếm 21%, thấp hơn so với 23% của tuần trước và 243 lượt dự báo đi ngang, chiếm 18%.

Kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục trở lại sau khi đại đa số các nước đã mở cửa nền kinh tế trở lại sau nhiều tháng đóng cửa để đối phó với dịch Covid-19, cũng như nhận thông tin về việc OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới tháng 9, bên cạnh một số quốc gia khác cũng tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng giúp giá dầu thô tiếp tục tăng vọt trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 5/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,14 USD (+5,41%), lên 39,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,31 USD (+5,46%), lên 42,30 USD/thùng.

Giá dầu thô có tuần hồi phục mạnh thứ 6 liên tiếp trong tuần qua, trong đó giá dầu thô Mỹ tăng 11,44% và giá dầu thô Brent tương lai tăng 19,73%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục