Nhãn hàng tẩy chay quảng cáo trên nội dung độc hại

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp, nhãn hàng bắt đầu rút khỏi các quảng cáo có chứa nội dung xấu độc.
Ảnh minh họa (internet) Ảnh minh họa (internet)

Dừng quảng cáo trên nội dung xấu độc

Danh sách các doanh nghiệp, nhãn hàng dừng quảng cáo trên các nội dung xấu độc từ các nền tảng YouTube, TikTok ngày càng nhiều thêm. Các nhãn hàng, doanh nghiệp như Shopee, Lazada, FPT, L’Oréal, Mirinda, Boss Coffee, TH True Milk, Di động Việt… từng xuất hiện trong các nội dung xấu độc đã biến mất.

Bà Phùng Phương, đại diện Hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ Di động Việt cho biết, sau khi phát hiện thương hiệu xuất hiện trên quảng cáo trong một số video có nội dung xấu độc, Di Động Việt lập tức làm việc với đối tác Google (đơn vị phân phối quảng cáo trên nền tảng YouTube), vì những phân phối ngẫu nhiên đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhận diện thương hiệu.

Di Động Việt cũng làm việc với đối tác chạy quảng cáo về những hiện diện trên các video có nội dung bẩn. Đơn vị này yêu cầu đối tác quảng cáo dùng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn triệt để những hiện diện của thương hiệu trên các kênh, video có nội dung xấu độc, không lành mạnh, đảm bảo không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào về hiện diện thương hiệu này trên các quảng cáo không gian mạng.

Tương tự, Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) cũng thực hiện một số hành động như: loại trừ trực tiếp các kênh/video liên quan tới chính trị, phản động; yêu cầu Google cung cấp bộ từ khóa loại trừ, để quảng cáo không được phân phối vào nhóm nội dung độc hại.

“Chúng tôi đã yêu cầu các đối tác tạm dừng toàn bộ quảng cáo của TH True MILK trên nền tảng YouTube để rà soát và đánh giá lại một lần nữa các kênh YouTube có thể hiển thị những quảng cáo tương tự”, Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (thuộc Tập đoàn TH) cho biết…

Giữa tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Danh sách nội dung đã được xác thực trên mạng (White list) dùng cho hoạt động quảng cáo. Đến ngày 10/4, có 1.373 doanh nghiệp, đơn vị nằm trong bản danh sách này. Cùng với đó, danh sách các trang web, doanh nghiệp nội dung “đen” (Black list) cũng đang được cập nhật.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cơ quan này chưa có đánh giá, thống kê cụ thể về chuyển biến của các doanh nghiệp sau khi Bộ có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, các nhãn hàng tuân thủ pháp luật về quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, bước đầu ghi nhận phản hồi của khoảng 30 đại lý quảng cáo lớn cho thấy, các đơn vị này đều rất quan tâm.

“Hiện nay, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử rà quét hàng ngày để xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, nhãn hàng có hành vi quảng cáo trên các trang có nội dung thông tin xấu độc. Thời gian qua, chúng tôi đã xử phạt nhiều doanh nghiệp để xảy ra tình trạng quảng cáo vào các nội dung xấu độc”, ông Tự Do cho biết.

Doanh nghiệp đẩy lùi quảng cáo bẩn

Việc cơ quan chức năng phân loại White list và Black list là cơ sở để các đơn vị, chủ nhãn hàng đàm phán với công ty quảng cáo để chọn kênh quảng cáo sạch trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Theo ông Vũ Việt Đức, đại diện thương hiệu Message Coffee, việc cơ quan chức năng phân loại White list và Black list là cơ sở để các đơn vị, chủ nhãn hàng đàm phán với công ty quảng cáo để chọn kênh quảng cáo sạch trước khi đặt bút ký hợp đồng.

“Chúng tôi sẽ đưa điều khoản vào hợp đồng khi ký kết dịch vụ quảng cáo. Điều kiện là doanh nghiệp sẽ chỉ đồng ý hiển thị quảng cáo trên các website, kênh được phép. Điều này giúp bảo vệ hình ảnh của doanh nghiệp, đồng thời người tiêu dùng biết đến sản phẩm qua các kênh truyền thông chính thống”, ông Đức nói.

Danh sách White list và Black list từ cơ quan quản lý giúp doanh nghiệp lựa chọn đúng kênh để quảng cáo. Điều này không chỉ bảo vệ nhãn hàng, mà chính là bảo vệ tên tuổi của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Dòng chảy Phương Nam đánh giá, việc công bố White list sẽ cắt đi dòng tiền quảng cáo cho các trang hoạt động lậu, nội dung “bẩn”, giúp doanh nghiệp tăng uy tín khi lựa chọn những trang thông tin tốt trong White list. Đồng thời, các đại lý ở Việt Nam sẽ dễ dàng chọn lựa được các trang nội dung tốt “đã được xác thực” trên mạng để tiếp cận độc giả, phân phối quảng cáo hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, Bộ đã có động thái để điều tiết dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng không chảy về những nội dung xấu độc. “Việc này cần được kêu gọi một cách rộng rãi và mạnh mẽ, để các sản phẩm thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hợp pháp của Việt Nam đang quảng cáo trên môi trường Internet thể hiện sự đồng hành với Nhà nước, Chính phủ, xã hội bằng cách không đưa tiền, không quảng cáo sản phẩm của mình vào những kênh nội dung xấu độc”, ông Lâm nhấn mạnh.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục