Nhận được tin hỗ trợ bất ngờ, chứng khoán tăng vọt

(ĐTCK) Sau khi khi kết thúc chuỗi 3 phiên giảm ngày thứ Ba, chứng khoán thế giới tiếp tục bùng nổ trong phiên giao dịch thứ Tư khi văn bản cuộc họp giữa tháng 3 của FED được công bố với những thông tin hỗ trợ bất ngờ.
Phố Wall tăng mạnh sau văn bản cuộc họp của FED được công bố - Ảnh: Reuters Phố Wall tăng mạnh sau văn bản cuộc họp của FED được công bố - Ảnh: Reuters

Trong phiên giao dịch thứ Tư, chứng khoán Mỹ bất ngờ nhận được thông tin hỗ trợ không thể tích cực hơn từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, văn bản cuộc họp tháng trước của Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc FED được công bố cho thấy, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của FED đã nhất trí không tăng lãi suất sớm như thị trường dự kiến trước đó.

Ngay sau nhận thông tin này vào nửa cuối phiên, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng vọt, leo lên mức cao nhất trong ngày với mức tăng trên 1%.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Dow Jones tăng 181,04 điểm (+1,11%), lên 16.437,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,22 điểm (+1,09%), lên 1.872,18 điểm. Nasdaq tăng 70,91 điểm (+1,72%), lên 4.183,90 điểm.

Thông tin liên quan đến kinh tế. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, hàng tồn kho bán buôn của Mỹ tăng với tốc độ chậm hơn, với mức 0,5% trong tháng 2, đúng như dự báo, sau khi mức tăng trong tháng 1 được sửa đổi lên 0,8%.

Chứng khoán châu Âu cũng tăng trở lại trong phiên thứ Tư nhờ cổ phiếu của các hàng sản xuất ô tô khi được các nhà môi giới nâng triển vọng lên tốt hơn (outperfrom) sau khi Mỹ công bố kết doanh thu bán xe tăng mạnh tháng trước. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn thận trọng về mùa công bố kết quả kinh doanh phía trước, nên đà tăng của chứng khoán châu Âu không mạnh như Phố Wall.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số FTSE tại Anh tăng 44,92 điểm (+0,68%), lên 6.635,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 15,56 điểm (+0,16%), lên 9.506,35 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 17,85 điểm (+0,40%), lên 4.442,68 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục diễn ra trong xu thế trái chiều. Trong khi chứng khoán Nhật Bản lao dốc mạnh xuống mức thấp nhất 3 tuần khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda úp mở về việc BOJ giảm bớt chính sách tiền tệ nới lỏng và kích thích kinh tế sớm bất kỳ lúc nào, khiến đồng yên tăng vọt và chứng khoán lao mạnh. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 305,62 điểm (-2,09%), xuống 14.606,88 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 246,20 điểm (+1,09%), lên 22.843,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 6,95 điểm (+0,33%), lên 2.105,24 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch thứ Tư sau biên bản cuộc họp giữa tháng 3 của FED được công bố, dù không mạnh. Trước đó, giá vàng đã có chuỗi giảm giá mạnh sau cuộc họp báo của Chủ tịch FED Janet Yellen rằng FED sẽ kết thúc gói kích thích kinh tế vào mùa Thu và tăng lãi suất sau đó 6 tháng. Tuy nhiên, những phát biểu sau đó, bà Yellen lại phát đi tín hiệu là nền kinh tế còn khó khăn, nên chưa thể tính đến việc tăng lãi suất và việc tăng lãi suất áp theo tỷ lệ thất nghiệp đã bị FED bỏ.

Kết thúc phiên 9/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 4,30 USD (+0,33%), lên 1.312,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 7,6 USD (+0,59%), lên 1.305,9 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh khi giới đầu tư lo lắng về tình hình căng thẳng ở Ukraine, khiến căng thẳng giữa phương Tây và Nga gia tăng và tác động đến nguồn cung.

Kết thúc phiên 9/4, giá dầu thô Mỹ tăng 1,04 USD (+1,00%), lên 103,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,31 (+0,29%), lên 107,98 USD/thùng.

T.Lê tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục