Nhận định thị trường ngày 9/11: Cổ phiếu lớn chịu nhiều áp lực

(ĐTCK) Nhiều mã vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường trong thời gian qua như BVH, VNM, FPT cũng đã không còn hấp dẫn về mặt định giá sau giai đoạn tăng mạnh và đi kèm là áp lực điều chỉnh đang gia tăng.
Nhận định thị trường ngày 9/11: Cổ phiếu lớn chịu nhiều áp lực

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/11.

Áp lực điều chỉnh đang gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)         

Diễn biến phiên giao dịch 6/11 lại một lần nữa cho thấy các chỉ số tiếp tục rung lắc tích lũy khi VN-Index vẫn đang nằm trong vùng kháng cự cả về tâm lý và kỹ thuật. Điều này cũng lý giải cho các hoạt động chốt lời ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu đã tăng tốt trong thời gian vừa qua.

Trong tuần tới, VN-Index vẫn có cơ hội để chinh phục mốc 620 nhờ được hỗ trợ bởi 1) Khối ngoại vẫn đang mua ròng; 2) Lực cầu mua vào ở vùng giá thấp gia tăng và khối lượng giao dịch cũng đã vượt trên một chút so với trung bình 20 phiên gần đây và 3) Nhận định tích cực của các tổ chức quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây cũng góp phần củng cố tâm lý nhà đầu tư.

Dù vậy, để thị trường có thể bức phá hơn nữa, cần có thời gian tích lũy và có thêm nhiều nhân tố hỗ trợ mới trong khi kết quả kinh doanh quý III đã phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu. Cuối cùng, nhiều mã vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường trong thời gian qua như BVH, VNM, FPT cũng đã không còn hấp dẫn về mặt định giá sau giai đoạn tăng mạnh và đi kèm là áp lực điều chỉnh đang gia tăng.

Diễn biến điều chỉnh sẽ chi phối thị trường     

(CTCK Maritime – MSI)

Phiên giao dịch ngày thứ Hai đầu tuần sau (9/11), thị trường có khả năng sẽ tăng điểm nhẹ trở lại nhờ lực cầu vào cổ phiếu vốn hóa lớn và một số cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ, VN-Index có thể test lại mức đỉnh cũ 620 điểm đã hình thành hồi tháng 8/2015.

Tuy nhiên, diễn biến điều chỉnh sẽ chi phối thị trường trong tuần giao dịch tới. VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 600-610 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn không nên giải ngân trong giai đoạn hiện tại, chỉ nên quan tâm tới những cổ phiếu tốt cho tầm nhìn đầu tư 3 – 6 tháng.

Xác suất điều chỉnh sâu là khá cao

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Hiệu ứng thoái vốn, nới room khối ngoại khiến dòng tiền tập trung khá mạnh vào các mã trụ, tạo động lực giúp VN-Index duy trì bên trên ngưỡng 610 điểm trong cả tuần giao dịch. Tuy vậy, thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước và mức độ tập trung của dòng tiền mạnh tại nhóm các mã lớn là các chỉ báo cho thấy thị trường đang thiếu xung lực để tiến tới các vùng giá cao mới.

Bên cạnh đó, toàn văn hiệp định TPP đã được công bố trong ngày 5/11 vừa qua. Sơ bộ các điểm đáng chú ý của văn kiện này bao gồm quy định: hiệp định vẫn có hiệu lực nếu 85% quốc gia (tính theo GDP) thông qua và dự kiến thời gian ký kết hiệp định sẽ trước quý I/2016 (sớm hơn so với dự kiến). Đây sẽ là thông tin tích cực giúp hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường trong giai đoạn tới.

Với các diễn biến trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng điểm ngắn hạn. Tuy nhiên, dòng tiền đang có sự phân hóa và trạng thái này sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên tới. Xung lực thị trường đang có dấu hiệu suy yếu khi VN-Index tiến gần hơn tới các vùng kháng cự nhạy cảm. Xác suất điều chỉnh sâu là khá cao nếu áp lực chốt lời tiếp tục duy trì trên diện rộng. Nhà đầu tư do vậy nên tiếp tục quan sát diễn biến dòng tiền, hạn chế việc mua đuổi, giảm bớt tỷ trọng các cổ phiếu ngắn hạn và duy trì danh mục trung hạn ở mức trung bình.

Rung lắc sẽ nhiều hơn

(CTCK FPT - FPTS) 

Duy trì trạng thái tài khoản với tỷ trọng tiền mặt cao là chiến lược ưu tiên vào thời điểm này. Mật độ các phiên rung lắc bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong khi chỉ số đang hướng đến khu vực có kháng cự mạnh sẽ là tín hiệu cần thận trọng. Nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro thấp nên kiên nhẫn chờ các tín hiệu xác lập điểm mua tốt hơn trong tuần sau.

Tiếp tục dựa vào các cổ phiếu lớn  

(CTCK BIDV - BSC)

Do thị trường hiện đang phụ thuộc vào các cổ phiếu trụ cột quá nhiều, do đó trong phiên tới biến động của VN-Index và HNX-Index sẽ trông chờ vào những VNM, BVH, VCB, FPT, VIC... Ngưỡng cản 615 do đó sẽ không có nhiều ý nghĩa. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, chốt lãi các cổ phiếu có lãi khá tại các phiên tăng điểm, đồng thời có thể mạo hiểm mở lại vị thế ở những phiên giảm, hạn chế dùng margin giai đoạn này.

Ngừng mua mới để chờ tín hiệu điều chỉnh

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Diễn biến thị trường phiên cuối tuần 6/11 là tương đối tiêu cực với áp lực bán tăng mạnh, 02 chỉ số giảm điểm đi kèm với thanh khoản tăng. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị ngừng vị thế mua mới để chờ tín hiệu điều chỉnh của thị trường xuống các vùng giá thấp hơn. Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu tỷ trọng cao có thể cân nhắc bán cân bằng lại vị thế ở các nhịp hồi phục trong các phiên đầu tuần tới.

Đà tăng sẽ gặp nhiều cản trở tại vùng 615-640

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Không gì có thay đổi, xu hướng ngắn hạn của thị trường tiếp tục là tăng. Dù vậy, khu vực từ 615 đến 640 điểm sẽ là vùng kháng cự có tính chất trung hạn và trừ khi động lực tăng giá mạnh mẽ hơn nữa, “hành trình tăng điểm” của VN-Index có thể sẽ gập ghềnh hơn đáng kể. Do xu hướng tăng chưa thay đổi, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt và áp dụng chiến thuật “để lãi chạy”.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục