Kiếm việc làm trong ngành chứng khoán, khó không?

(ĐTCK) Yêu cầu đối với nhân sự chứng khoán ngày càng khắt khe, nên cơ hội làm việc trong lĩnh vực chứng khoán của các sinh viên mới ra trường, vốn thiếu những trải nghiệm thực tế, trở nên khó khăn hơn.
Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định thành công của các CTCK Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định thành công của các CTCK

Đơn cử, với vị trí chuyên viên môi giới đầu tư, ngoài điều kiện tốt nghiệp ngành học thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhiều CTCK yêu cầu ứng viên phải có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm, ưu tiên người có chứng chỉ đào tạo, giấy phép hành nghề.

Một sinh viên mới ra trường khó có thể đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, nghề nghiệp nào cũng có bước khởi đầu, cơ hội luôn mở ra với những bạn trẻ năng động và cầu tiến. 

Cần chú ý đến các chương trình thực tập sinh

Hàng năm, nhiều CTCK tổ chức chương trình thực tập sinh dành cho đối tượng là sinh viên năm cuối và mới tốt nghiệp. Không ít công ty xem đây như một cuộc “đãi cát tìm vàng”, qua đó đào tạo nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho công ty.

Chẳng hạn, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận hơn 1.000 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh năm 2015 tại hội sở chính Hà Nội. Qua giai đoạn sàng lọc hồ sơ, các ứng viên được lựa chọn phải vượt qua 1 vòng thi viết và 2 vòng phỏng vấn để chính thức trở thành thực tập sinh.

" Với yêu cầu phải có 1 năm kinh nghiệm, các sinh viên mới ra trường khó có thể đáp ứng để trở thành nhân viên môi giới ở các  công ty chứng khoán"

Các thực tập sinh được trải nghiệm môi trường làm việc thực sự tại VCBS, được đào tạo bài bản trong thời gian 2 tháng và có cơ hội ký hợp đồng làm việc chính thức với Công ty.

Là một trong các ứng viên vượt qua vòng tuyển chọn, Lê Đức Quang (22 tuổi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội) bắt đầu chương trình thực tập sinh với công việc tại Phòng Môi giới, VCBS.

Chia sẻ về những trải nghiệm trong thời gian thực tập, Quang cho biết, ban đầu công việc ở phòng môi giới khá nhàn, nhưng cần phải xông xáo và tiếp xúc bên ngoài nhiều. Thời gian này, các anh chị tại VCBS chỉ dạy cách bắt chuyện với khách hàng sao cho chuyên nghiệp, tư vấn chọn cổ phiếu phù hợp với yêu cầu của khách hàng, đào tạo về chuyên môn đầu tư...

Đến tháng thứ hai, khi được điều chuyển sang Phòng Phân tích, cứ 2 tuần Quang phải thực hiện 1 báo cáo dài. Căng thẳng, áp lực, nhưng Quang được học hỏi thêm rất nhiều, từ kỹ thuật định giá, phân tích tài chính doanh nghiệp cho đến đánh giá triển vọng ngành, đặc biệt là kỹ năng tìm kiếm thông tin cần thiết.

“Nhiều thông tin không phải cứ tìm trên google là có, mà phải chịu khó săn tìm, hỏi han doanh nghiệp, tham dự ĐHCĐ…”, Quang nói. 

Làm gì để đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng?

Ông Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Nhân sự, CTCK FPT (FPTS) đánh giá, số lượng sinh viên ngành tài chính - ngân hàng ra trường hàng năm rất lớn, nhưng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng không cao.

Theo ông Hòa, để có thể tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp thì ngay từ khi còn học tại trường, sinh viên cần trang bị thêm một số kiến thức, kỹ năng như: sử dụng máy vi tính, tiếng Anh, khả năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác. Đồng thời, cọ sát với thực tế thông qua các chương trình thực tập, kiến tập giữa khóa tại doanh nghiệp, chương trình thực tập sinh của CTCK…

Hàng năm, FPTS tổ chức một số chương trình thực tập cho các sinh viên năm cuối, với 2 vòng đánh giá: vòng sơ lọc hồ sơ và vòng phỏng vấn. Sau đó, các cán bộ có bề dày kinh nghiệm của FPTS sẽ đào tạo thực tập sinh theo chương trình được thiết kế riêng. Mục tiêu của FPTS là sau quá trình thực tập, sinh viên sẽ có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc và có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của Công ty.

“Định hướng chung của FPTS là tuyển dụng ứng viên có tố chất, khả năng phù hợp, tinh thần ham học hỏi để đào tạo trở thành nhân viên đáp ứng tốt yêu cầu công việc theo định hướng của FPTS”, Giám đốc Nhân sự FPTS nhấn mạnh và chia sẻ, Công ty dành nhiều cơ hội việc làm cho các sinh viên mới ra trường khi không yêu cầu bắt buộc về kinh nghiệm lúc tuyển dụng các vị trí: chuyên viên tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính doanh nghiệp, cán bộ lưu ký và quản lý cổ đông, kế toán giao dịch, dịch vụ khách hàng…

Thực tế, bước khởi đầu trong nghề nghiệp luôn là giai đoạn khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì, việc phát triển năng lực của một cá nhân phụ thuộc lớn vào ý thức trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Trong lĩnh vực chứng khoán, ở vị trí môi giới, nhân sự mới thường phải mất 2 - 3 năm để “thấm” nghề, tức có sự am hiểu đủ sâu về thị trường, khả năng giao tiếp chuyên nghiệp, bắt đầu thiết lập được mạng lưới khách hàng riêng...

Ngô Anh Tuấn, cựu sinh viên Học viện Ngân hàng, có 7 năm làm việc tại FPTS cho biết, khó khăn cơ bản của sinh viên mới ra trường khi làm môi giới đó là kỹ năng giao tiếp, trả lời khách hàng và kiến thức về chứng khoán còn yếu.

Từng trải qua thời gian thực tập trước khi chính thức làm việc cho FPTS, Anh Tuấn chia sẻ, các nhân sự trẻ thường được giao các đầu việc như tư vấn, tìm kiếm thông tin cho khách hàng, nhận lệnh mua/bán qua quầy hoặc qua điện thoại, lập báo cáo phân tích... 

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục