ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 8/3.
Khả năng giảm mạnh là không cao
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Áp lực bán ra có dấu hiệu tăng mạnh khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm khiến biên độ tăng của VN-Index dần thu hẹp về cuối phiên, tuy nhiên bên mua vẫn hấp thụ khá tốt lượng cung từ bên bán. Ngưỡng 580 điểm vừa là ngưỡng cản kỹ thuật và ngưỡng cản tâm lý, do vậy việc rung lắc xảy ra là không bất ngờ.
Thanh khoản và độ rộng thị trường vẫn duy trì ở mức khả quan khiến khả năng giảm mạnh của thị trường trong những phiên tới là không cao. Nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu ổn định, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường trong những phiên tiếp theo.
Rung lắc hơn
(CTCK BIDV - BSC)
Trong phiên tới, các chỉ số có thể rung lắc hơn trước áp lực của lực bán chốt lời. Mốc 580 điểm vẫn là ngưỡng kháng cự đáng kể đối với tâm lý thị trường.
Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên cân nhắc hạ bớt tỷ trọng khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự 580 điểm và mua lại tại các nhịp điều chỉnh giảm trong phiên.
Điều chỉnh nhẹ
(CTCK Maritime – MSI)
VN-Index đã test lại ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm, tuy nhiên, áp lực chốt lời vào cuối phiên khiến thị trường không giữ được mức điểm này. Kết thúc phiên, VN-Index hình thành cây nến Doji chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đã có sự thận trọng. Với diễn biến của phiên 7/3, thị trường sẽ có điều chỉnh nhẹ trong ngày 8/3, VN-Index có thể dao động quanh ngưỡng 575-580 điểm.
Khuyến nghị nhà đầu tư không trading T+ khi thị trường đang giằng co như hiện tại, có thể xem xét giải ngân vào các cổ phiếu có thông tin tích cực và cơ bản tốt trong các phiên điều chỉnh.
Hoạt động mua đuổi giá cao là rất rủi ro
(CTCK FPT - FPTS)
Với diễn biến hiện tại, sự phân hóa giữa các nhóm ngành đang góp phần giữ nhịp tăng ổn định, trong khi sự cải thiện của dòng tiền đóng góp chính vào mức độ tăng của các index. Theo đó, nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản được kỳ vọng đón đầu thông tin tốt về cổ tức, room nước ngoài hoặc hưởng lợi từ các biến động vĩ mô… sẽ tiếp tục thu hút mạnh dòng tiền và giữ vai trò động lực tăng giá chính.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong chỉ số thị trường sẽ chỉ đóng vai trò giữ nhịp khi thị trường rơi về các ngưỡng hỗ trợ mạnh. Hoạt động mua đuổi tại mức giá cao trong các phiên tới vẫn được đánh giá là rất rủi ro. Thay vào đó, nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ các tín hiệu vững chắc tại các điểm thị trường điều chỉnh hoặc rung lắc mạnh để có điểm mua tốt nhất. Ngoài ra, yếu tố thanh khoản cũng cần được lưu ý trong các phiên tới.
Cụ thể, trong các phiên chỉ số giảm về các ngưỡng hỗ trợ, thanh khoản thị trường cần sụt giảm trở lại, tạo nền tảng an toàn cho các nhịp tích lũy.
Thị trường sẽ chịu áp lực chốt lời
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Theo sau câu chuyện nới room có đôi chút hạ nhiệt, các thị trường đang được hỗ trợ khác vững chắc bởi sự phục hồi của giá hàng hóa và khối ngoại mua ròng. Thị trường trong nước và thế giới củng cố đà tăng gần đây đã giúp tâm lý thị trường trở nên lạc quan hơn. Tuy nhiên, một sự bứt phá mạnh và liên tục trong ngắn hạn là khó có xảy ra.
Thay vào đó, một sự tăng trưởng vừa phải có lẽ là hợp lý hơn vào thời điểm này. Trước mắt, thị trường sẽ chịu áp lực chốt lời trong một vài phiên tới do mức lợi nhuận đã đủ hấp dẫn.
Xem xét giảm tỷ trọng
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Áp lực chốt lời sẽ ngày một tăng dần khi VN-Index tiếp cận vùng 580 điểm. Đây cũng là vùng điểm nhà đầu tư có thể xem xét bán ra phần danh mục trading để kéo giảm tỷ trọng xuống. Các quyết định mua đuổi giá cao không được khuyến nghị vì rủi ro VN-Index điều chỉnh ở vùng điểm này khá lớn.