Nhận định thị trường ngày 24/6: Có thể chịu thêm áp lực điều chỉnh

(ĐTCK) Khoảng thời gian từ nay đến khi công bố kết quả kinh doanh quý II, mốc 600 điểm sẽ là câu chuyện dài. Có thể thị trường sẽ tiếp tục chịu thêm áp lực điều chỉnh cho đến khi có diễn biến tích cực.
Nhận định thị trường ngày 24/6: Có thể chịu thêm áp lực điều chỉnh

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/6.

Giao dịch tích lũy tại mặt bằng giá mới đang khá tích cực

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Nhóm các mã dẫn dắt không còn duy trì được đà tăng tích cực của phiên trước đã khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh nhẹ. Tuy vậy, nhóm các cổ phiếu Bluechips vận động khá tích cực, giúp áp lực điều chỉnh diễn ra không sâu. Độ rộng thị trường khá cân bằng. Dòng tiền duy trì tích cực với lượng giao dịch trên 2 sàn ở mức trên 170 triệu đơn vị.

Trạng thái giao dịch tích lũy tại mặt bằng giá mới đang diễn ra khá tích cực. Tuy nhiên, sự phân hóa cao giữa các nhóm cổ phiếu đang diễn ra do dòng tiền không có sự lan tỏa. Cơ hội kiếm lợi nhuận do vậy cũng hạn chế trong ngắn hạn. Sự thận trọng trong thời điểm hiện tại vẫn là cần thiết. Nhà đầu tư không nên mua đuổi các cổ phiếu tăng mạnh trong phiên, nên chú ý tới các mã có yếu tố cơ bản hỗ trợ tốt và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II tích cực.

Sẽ có rủi ro cao kèm rung lắc mạnh tại vùng đỉnh cũ 595-600 

(CTCK FPT - FPTS) 

Dựa trên nhận định về xu hướng trong tuần, sẽ có rủi ro cao kèm theo những rung lắc mạnh có  thể xuất hiện trên vùng đỉnh cũ 595-600 điểm. Nhà đầu tư nên tạm dừng được các hoạt động giải ngân mới nhằm tránh các biến động khó lường của xu hướng sắp tới.

Với các danh mục đã thu được lợi nhuận trong nhịp tăng vừa qua, có thể tận dụng các thời điểm thị trường tăng mạnh để hiện thực hóa lợi nhuận, đưa trạng thái nắm giữ cổ phiếu/tiền mặt về mức an toàn 30/70. Trong đó, cần lưu ý nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… do nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm này đã có mức tăng trưởng thị giá rất ấn tượng, điều này có thể sẽ dẫn đến áp lực bán mạnh hơn nếu thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều.  

Thị trường có thể chịu thêm áp lực điều chỉnh

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Phiên tăng điểm mạnh 22/6 không để lại chút “dấu vết” cho phiên 23/6 khi thị trường tỏ ra khá yếu lực và không có sự dẫn dắt. Nhóm Ngân hàng đã không thể tạo sức bật khi áp lực bán gia tăng, còn sự nổi lên của nhóm Dầu khí là quá yếu. Những thông tin để hỗ trợ cho thị trường lại không có, hoặc nếu có thì nó cũng khá rời rạc. Vì thế, thị trường chịu áp lực bán là điều hiển nhiên và rõ ràng mốc 600 điểm rất gần nhưng cũng rất xa.

Thị trường chốt phiên dù chỉ giảm nhẹ, nhưng câu chuyện ở những phiên tới là nhóm nào sẽ dẫn dắt thị trường? Đây thực sự là câu hỏi khó vào lúc này và điều đó có thể khiến thị trường chịu thêm áp lực cho đến khi những thông tin về kết quả kinh doanh quý II dần được lộ diện. Khoảng thời gian từ nay đến đó mốc 600 điểm sẽ là câu chuyện dài. Có thể thị trường sẽ tiếp tục chịu thêm áp lực điều chỉnh cho đến khi có diễn biến tích cực.

Thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm 

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường giằng co mạnh với lực mua suy yếu dần trong phiên chiều đã làm VN-Index giảm hơn 1 điểm và kết phiên giảm xuống 593,07 điểm với thanh khoản giảm sút.

Lực cầu yếu ở cổ phiếu bluechip là nguyên nhân chính làm thị trường giảm điểm. Phiên giao dịch ngày 23/6 giúp chúng tôi khẳng định chắc chắn hơn vào nhận định, thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm. Chúng tôi ch rằng,  trong phiên 24/6,thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, dòng tiền vẫn sẽ tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, bất động sản như FLC, DXG, DLG,…

Rủi ro điều chỉnh phân hóa trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Áp lực bán đã gia tăng trở lại trong phiên 23/6 sau khi thị trường tăng điểm khá mạnh phiên 22/6 nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechips. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường xuống mức thấp cho thấy lực bán đa phần vẫn tập trung ở các vùng giá cao trong bối cảnh sức cầu chủ yếu được kê ở vùng giá thấp. Diễn biến này cho thấy phần đông nhà đầu tư đang ở trạng thái chờ đợi thị trường cho xu hướng rõ nét hơn trước khi đưa ra quyết định.

Trên phương diện thông tin, giới đầu tư đang chờ đợi kết quả bỏ phiếu lại của Thượng viện Mỹ cho dự luật TPA trong đêm 23/6 theo giờ Việt Nam. Kết quả của cuộc bỏ phiếu trên sẽ có tác động đến diễn biến thị trường trong các phiên sắp tới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu xuất khẩu như dệt may, nông thủy sản.

Rủi ro tiếp tục điều chỉnh phân hóa của thị trường trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu. Bên cạnh việc nắm giữ 1 phần tỷ trọng danh mục trung, dài hạn, nhà đầu tư có thể đẩy mạnh hoạt động bán trading quay vòng để bình quân giá vốn và cân bằng lại tỷ trọng danh mục.

Rung lắc

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

VN-Index nói riêng và thị trường nói chung đang đối mặt với nhiều phiên “rung lắc” khi tiến gần hơn vùng kháng cự quan trọng 600-610 điểm. Hành động “chốt lời một phần” là điều cần tính đến, dù vậy tỷ trọng cổ phiếu vẫn cần duy trì cao hơn tiền mặt do xu hướng lớn hơn tiếp tục là tăng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục