Đối thoại với nhà đầu tư doanh nghiệp xin xếp lịch

(ĐTCK) Hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia buổi “Đối thoại với nhà đầu tư” do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) tổ chức cuối tuần qua. Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động hướng kỷ niệm 15 năm thành lập TTCK Việt Nam. Hai DN đăng đàn đối thoại đầu tiên là CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) và CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI).
Đối thoại với nhà đầu tư doanh nghiệp xin xếp lịch

Hơn 13 DN sẽ đối thoại…

Từ năm 2003, HOSE đã tổ chức nhiều chương trình đối thoại trực tiếp giữa DN và nhà đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực cho TTCK. Chương trình “Đối thoại với nhà đầu tư” là một dấu ấn  trên chặng đường 15 năm hoạt động của TTCK, của HOSE, kéo dài từ nay đến tháng 8 với hàng loạt DN đầu ngành tham gia đối thoại.

Theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE, với hàng trăm DN niêm yết trên sàn, Sở đã phải đứng trước lựa chọn DN nào tham gia đối thoại.

“Chúng tôi đã đi tìm hiểu nhu cầu của nhà đầu tư xem họ quan tâm đến DN niêm yết nào, những thông tin gì… Do vậy, chuẩn bị cho chương trình này khá mất thời gian nhưng được các DN niêm yết rất ủng hộ”, bà Đào chia sẻ.

Đến nay, HOSE đã lên lịch cho 13 DN niêm yết tham gia đối thoại với nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng, khi các DN niêm yết vẫn đang tiếp tục xin xếp lịch để được đối thoại.

Một nhà đầu tư cho biết, để có quyết định đầu tư đúng đắn, cần phải nắm chắc thông tin về DN và họ đến đây để được nghe chính lãnh đạo DN niêm yết nói về các hoạt động kinh doanh, tiềm năng phát triển của DN. Bởi mỗi năm họ chỉ có cơ hội gặp trực tiếp lãnh đạo DN một lần tại ĐHCĐ thường niên, trong khi thông tin trên trang web của DN thường rất nghèo nàn, không cập nhật…

Thừa nhận công tác quan hệ với nhà đầu tư (IR) của ASM còn yếu, lâu nay chỉ tập trung vào các kế hoạch kinh doanh, chưa chú trọng tới làm marketing và điều này không tốt cho DN, ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc ASM - DN đầu tiên tham gia đối thoại cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với một số CTCK để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; đồng thời mở rộng thông tin qua các kênh truyền thông để nhà đầu tư hiểu hơn hoạt động của DN”.

Những chia sẻ của nhà đầu tư và DN tại buổi đối thoại đầu tiên cho thấy, nhu cầu trao đổi thông tin của cả hai phía là rất lớn. Nhiều DN vì tập trung cho sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn cạnh trạnh khốc liệt của thị trường đã lơ là công tác IR hoặc DN ngại tổ chức đơn lẻ hoạt động đối thoại nhà đầu tư.

Việc HOSE đứng ra tổ chức chương trình “Đối thoại với nhà đầu tư” không chỉ là cơ hội để DN tiếp xúc với nhà đầu tư với chi phí thấp mà còn hiệu quả. Bởi nhà đầu tư tin rằng, khi HOSE vào cuộc, lãnh đạo DN sẽ có trách nhiệm hơn trong cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. 

… để nhà đầu tư hiểu và tin

Tại buổi đối thoại, một nhà đầu tư đã hỏi lãnh đạo của ASM về lý do giá cổ phiếu của ASM hiện đang thấp hơn so với các DN cùng ngành như CTCP Vĩnh Hoàn và thấp hơn giá trị sổ sách. Vậy nhà đầu tư có nên nắm giữ hay không?

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch ASM cho biết, nếu nhà đầu tư cảm nhận giá trị lâu dài và tiềm năng của ASM thì nắm giữ. Giá trị cổ phiếu của ASM nằm trong các dự án bất động sản mà ASM đầu tư.

Giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, ASM tập trung thâu tóm quỹ đất sạch để chuẩn bị đón đầu cơ hội thị trường khởi sắc. 6 tháng đầu năm, doanh thu về bất động sản của ASM ước đạt 300 tỷ đồng, cả năm ước dự kiến đạt 500 - 600 tỷ đồng, tăng mạnh so với các năm trước. Lợi nhuận từ mảng kinh doanh này đang đóng góp 30% trong cơ cấu lợi nhuận của ASM. Mới đây, có một Việt kiều đặt mua tới 91 đất nền của ASM.

Ông Thuấn cũng chia sẻ thêm, đánh giá đến hoạt động DN nhà đầu tư cũng cần xem xét đến vấn đề quản trị công ty của DN. Ban lãnh đạo ASM rất tiết kiệm chi phí trong hoạt động. Đối với cấp lãnh đạo của ASM chỉ được đi xe ô tô Accord, trong khi cũng có DN có quy mô tương đương với ASM, vị lãnh đạo cao nhất có tới 4 chiếc siêu xe.

Ông Thành cũng tiết lộ thông tin, chắc chắn trong tháng 7, ASM sẽ công bố một nhà đầu tư Mỹ muốn rót 1.000 tỷ đồng vào ASM với tỷ lệ nắm giữ 13%.

Trong cuộc đối thoại thứ hai với IDI, nhà đầu tư rất quan tâm tới vấn đề hội nhập kinh tế khi các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Công ty.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT IDI cho biết: “Chúng tôi không để trứng vào một giỏ và việc xây dựng thị trường không phải một sớm một chiều. IDI tận dụng lợi thế thị trường gần bằng cách tăng doanh thu xuất khẩu vào Trung Quốc lên 35%, nhưng cũng không phụ thuộc thị trường này, IDI đang tích cực mở rộng xuất khẩu sang các nước trong ASEAN và châu Mỹ.

Doanh thu năm 2015 của Công ty dự kiến đạt 3.068 tỷ đồng, lợi nhuận 142 tỷ đồng, cổ tức 10% bằng tiền mặt. Sản phẩm dầu cá cao cấp Ranee đang cạnh tranh với dầu thực vật đã phủ sóng hầu hết các siêu thị trong nước và sẽ xuất khẩu ra nước ngoài.

Linh Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ