Thị trường tuột dốc, nhiều doanh nghiệp run rẩy lên sàn

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đang rục rịch việc đưa cổ phiếu lên sàn như CTCP Chứng khoán Thiên Việt, CTCP Phân bón miền Nam, CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình, CTCP Dây cáp điện Việt Nam, CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển, CTCP Khoáng sản và luyện kim Bắc Á, CTCP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Gia Lai, CTCP Cáp điện Việt Thái…
Thị trường tuột dốc, nhiều doanh nghiệp run rẩy lên sàn

Theo thông tin từ 2 Sở giao dịch và các CTCK, từ nay đến cuối năm, thị trường sơ cấp sẽ đón khoảng 20 doanh nghiệp chào sàn, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Doanh nghiệp lên sàn có nhiều mục đích, song tập trung nhiều nhất theo 2 nhóm lý do: Niêm yết theo mệnh lệnh, theo phong trào; hoặc tự thân thấy lợi ích với kỳ vọng chính là huy động vốn thông qua TTCK, nhất là gần đây thị trường có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, đấy là khi thị trường sôi động. Khi chứng khoán tuột dốc, không ít lãnh đạo doanh nghiệp đưa cổ phiếu niêm yết theo phong trào đã chia sẻ rằng: Họ đang ở thế cưỡi lưng hổ.

Niêm yết cổ phiếu, nhưng doanh nghiệp không có kế hoạch huy động vốn, cũng chẳng mấy quan tâm đến biến động giá cổ phiếu. Ảnh hưởng chung từ thị trường, giá cổ phiếu giảm mạnh, xuống dưới mệnh giá, cổ đông lớn xót ruột, muốn hủy niêm yết để đỡ nhìn thấy bảng điện tử yết giá hàng ngày. Lúc này lại e thị trường cười chê, nói doanh nghiệp đi lùi, tụt hậu.

Đã có doanh nghiệp lớn tính chuyện hủy niêm yết vì cho rằng giá cổ phiếu trên sàn phản ánh không đúng giá trị thực của doanh nghiệp. Song nếu nhìn một cách đầy đủ, thị trường luôn đúng. Tài sản của doanh nghiệp lớn, giá sổ sách của cổ phiếu có thể cao hơn thị giá, nhưng cổ phiếu lưu hành ít, thanh khoản kém, nhà đầu tư kém mặn mà.

Cũng có doanh nghiệp niêm yết vài năm sau mới giật mình ngộ ra rằng vì chẳng quan tâm gì đến việc chăm chút công bố thông tin, đối thoại với nhà đầu tư nên dù hoạt động tốt, sản phẩm có thương hiệu nhưng cổ phiếu lại bị lãng quên. Khi khó khăn muốn huy động vốn lại không thực  hiện được.

Có doanh nghiệp sau khi niêm yết, người đứng đầu thỏa hiệp với các “đội lái” để họ tung hứng giá cổ phiếu, hậu quả là nhiều cổ đông cay đắng thua thiệt nặng nề. Nhà đầu tư mất niềm tin, giá cổ phiếu tuột dốc mạnh, doanh nghiệp bị thâu tóm, nội bộ lục đục, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động….

Với các quy định rõ ràng, thủ tục cấp phép thông thoáng như hiện nay, doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian lên sàn, chỉ trong vài tháng hoặc thậm chí chỉ trong tháng, nếu có hồ sơ hoàn thiện. Song đưa cổ phiếu lên sàn chỉ là bước khởi đầu, để việc niêm yết hữu dụng với doanh nghiệp, còn rất nhiều việc phải làm và phải chăm chút. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng, không nóng khi thị trường thăng hoa; không nản khi thị trường tuột dốc.

Quyết định 51/2014/QĐ-TT mới được Thủ tướng ban hành cho phép thị trường kỳ vọng sẽ có nhiều gương mặt mới trên sàn, trong đó có những tên tuổi lớn. Khi ấy chợ chứng khoán sẽ thêm hàng hóa chất lượng, mới thu hút nhiều người đến bán mua.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục