ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 22/7.
Có thể phục hồi kỹ thuật
(CTCK BIDV - BSC)
Thị trường sụt giảm dần về cuối phiên trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bảo hiểm giảm sàn và thanh khoản thị trường yếu. Khối ngoại tăng mạnh giá trị mua ròng trên HOSE, song bất ngờ bán ròng trên HNX. Khá nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán bị khối ngoại bán trong phiên này.
Thị trường có thể có nhịp phục hồi kỹ thuật vào phiên tới nhờ lực cầu lớn ở mức giá thấp và kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II. Độ rộng thị trường cân bằng hơn cũng là 1 yếu tố hỗ trợ cho phiên tới.
Nhà đầu tư mạo hiểm có thể mở dần vị thế mua trong phiên tới với các cổ phiếu hứa hẹn có kết quả tích cực trong quý 2. Tuy nhiên cũng cần thận trọng bán ra khi có tín hiệu không tốt. Nhà đầu tư thận trọng nên đứng ngoài thị trường.
Sớm tăng trở lại
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Nhóm cổ phiếu lớn cũng đã phân hóa và rõ ràng tác động của nhóm có phần ít hơn đến thị trường. Giao dịch có dấu hiệu chậm lại và thanh khoản tiếp tục giảm xuống như kỳ vọng cũng đã diễn ra. Điểm đáng quan tâm hơn so với phiên trước chính là cầu mua giá thấp chủ động đẩy vào khi thị trường bị bán mạnh đẩy chỉ số VN-Index xuống 613,8 điểm (gần chạm 610 điểm). Điều đó cho thấy, dòng tiền vẫn tích cực và tiếp tục chờ đợi cơ hội khi thị trường điều chỉnh.
Những tín hiệu tích cực này báo hiệu khả năng tăng trở lại sẽ sớm diễn ra. Tuy nhiên, khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn còn điều chỉnh thì rõ ràng tác động là vẫn còn lớn. Chúng tôi cho rằng, thị trường cũng đã hội tụ khá nhiều điểm tích cực để tăng trở lại, nhưng điều đó sẽ xảy ra khi VN-Index tiếp cận gần hơn tới mốc 610 điểm. Sớm nhất có thể thị trường sẽ tăng lại một cách tích cực trong 1-2 phiên tới và điều đó sẽ phá vỡ xu thế điều chỉnh vừa qua. Ngược lại, nếu thị trường tiếp tục sụt giảm liên tục cả về khối lượng và giá trị thì có lẽ chúng ta cần tính toán cho một kế hoạch khác.
Quá trình điều chỉnh có thể sẽ sớm kết thúc
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Thị trường khởi động phiên 21/7 có phần “bình tĩnh” hơn phiên đầu tuần, sắc xanh duy trì khá tốt trong hầu hết thời gian buổi sáng. Áp lực bán ra được đẩy mạnh trong buổi chiều và đỉnh điểm vào thời gian 2 giờ chiều, cả hai chỉ số đã rơi khá mạnh vào thời điểm này. Dù vậy, kể từ sau thời điểm đó, lực cầu tại khu vực giá thấp đã xuất hiện khá tốt (đặc biệt tại HOSE), và giúp hai chỉ số đóng cửa tại vùng giá tốt hơn.
Tính đến hiện tại, VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng trung hạn, lực cầu bắt đáy tại vùng giá thấp trong phiên 21/7 khá mạnh mẽ và điều đó dẫn đến kỳ vọng quá trình điều chỉnh có thể sẽ sớm kết thúc trong một số phiên tới.
Trạng thái điều chỉnh sẽ diễn ra sâu hơn
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Áp lực điều chỉnh tiếp tục diễn ra trên diện rộng đi kèm thanh khoản suy yếu khá mạnh trên cả hai sàn do kỳ vọng ngắn hạn đang giảm khiến lực cầu yếu đi rõ rệt và áp lực thoát hàng bảo toàn vốn của người cầm cổ đang mạnh dần lên. Xu hướng giao dịch này thể hiện rõ nhất tại nhóm các cổ phiếu bảo hiểm khi lực bán tháo hàng loạt nhằm thoát vị thế diễn ra mạnh mẽ, đẩy các mã này đồng loạt giảm sàn sau khi tăng vài chục phần trăm chỉ trong vài tuần trước đó.
Quy mô nguồn tiền đang giảm đi kèm cùng các phiên điều chỉnh liên tiếp phá vỡ các mốc hỗ trợ ngắn hạn đem lại rủi ro về trạng thái điều chỉnh sẽ diễn ra sâu hơn do dòng tiền chưa nhìn thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tại các vùng tích lũy trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư nên tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn. Hành động bắt đáy tại thời điểm hiện tại chưa được khuyến khích do xu thế giảm ngắn hạn đang dần hình thành sau khi các mốc hỗ trợ ngắn hạn của hai chỉ số bị phá vỡ.
Rủi ro tăng dần
(CTCK FPT - FPTS)
Tổng hợp tín hiệu có thể thấy nhịp giảm của chỉ số đang diễn ra với rủi ro tăng dần, đặc biệt là khi hiện tượng bán tháo đã bắt đầu xuất hiện ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn mang tính dẫn dắt xu hướng. Theo đó, đối với các danh mục đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn thì nhà đầu tư nên cân nhắc việc đưa tỷ trọng về mức an toàn nếu mốc hỗ trợ dưới gần nhất của các chỉ số chính bị xuyên thủng.
Ngay cả trong trường hợp nếu xuất hiện nhịp hồi phục nhưng không đi kèm với thanh khoản cải thiện tích cực thì nhà đầu tư cũng cần chú ý cơ cấu giảm rủi ro cho danh mục, đặc biệt là đối với nhóm cổ phiếu có sử dụng margin. Các hoạt động giải ngân mới nên tạm dừng khi tín hiệu tại các khu vực có hỗ trợ mạnh chưa được xác lập.
Tiếp tục giằng co theo chiều hướng điều chỉnh
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giằng co theo chiều hướng điều chỉnh trong một vài phiên tới. Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II có thể là nhân tố hỗ trợ cho diễn biến giá của một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình (30- 50%) với trọng tâm là các mã có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan thuộc nhóm ngành chứng khoán, xuất khẩu, bất động sản, vật liệu xây dựng.
Kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 610-615
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Có lẽ thị trường đang rơi vào trạng thái bão hòa về mặt thông tin sau những sự kiện gần đây như nới room cho khối ngoại và đang thiếu vắng các nhân tố hỗ trợ mới. Dù vậy, phiên họp về TPP vào cuối tháng này được xem là điểm nhấn đáng chú ý mà nhà đầu tư đang chờ đợi và quan sát kết quả của vòng đàm phán được cho là mang tính quyết định.
Xét về mặt kĩ thuật, VN-Index đã mất ngưỡng hỗ trợ 620 và chỉ số này có thể kiểm tra ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh vùng 610-615 trong một vài phiên tới. Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm tích cực cho nhà đầu tư trung dài hạn với chiến lược mua tích lũy ở nhóm cơ có triển vọng tăng trưởng tốt. Tất nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm sẽ là cơ sở để tham khảo quan trọng.