M&A 2015, chờ đón sự bùng nổ

(ĐTCK) Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đi vào giai đoạn nước rút, cải cách môi trường đầu tư, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, hình thành Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN… là những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2015. Với những yếu tố đó, thị trường M&A Việt Nam đang chờ đón một sự bùng nổ. 
Dự báo năm 2015 sẽ diễn ra nhiều thương vụ M&A có giá trị lớn Dự báo năm 2015 sẽ diễn ra nhiều thương vụ M&A có giá trị lớn

Đó cũng chính là chủ đề của Diễn đàn M&A 2015, sự kiện thường niên lần thứ 7 được Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP. HCM vào ngày 6/8 tới.

Giai đoạn 2013 – 2014, M&A không như kỳ vọng

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về Diễn đàn M&A 2015, được tổ chức hôm qua, ngày 16/7 tại Hà Nội, Ban Tổ chức cho biết, nếu như trước năm 2009, mỗi năm, Việt Nam chỉ có khoảng 50 thương vụ M&A, với giá trị giao dịch cao nhất khoảng 300 triệu USD một thương vụ thì từ năm 2009, giá trị của các thương vụ M&A đã đạt hơn 1,08 tỷ USD và đến năm 2012 giá trị này đã tăng thành 5,1 tỷ USD. Mặc dù số liệu thống kê có sự khác nhau, nhưng theo Nhóm Nghiên cứu MAF, năm 2014, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tăng khoảng 20% so với năm 2013, đạt gần 4 tỷ USD. Còn theo Stock Plus, giá trị M&A năm 2014 là 4,7 tỷ đồng.

Giai đoạn 2014 - 2018, thị trường M&A Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ 2 với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD. Tuy nhiên, nhóm Nghiên cứu MAF cho rằng, dù hoạt động M&A đã gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn năm 2013 – 2014, nhưng giá trị các thương vụ đã không như kỳ vọng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt chia sẻ, tại Diễn đàn M&A năm ngoái đã đề cập đến vấn đề bất cập là việc công bố thông tin của DN Nhà nước thực hiện ít, gần như không có quy định nào việc phải công bố thông tin. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của nhà đầu tư chiến lược khi Nhà nước tiến hành cổ phần hóa DN. Ngay sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành quy định về việc công bố thông tin đối với các DN do Nhà nước nắm vốn và đây là nguồn thông tin để các nhà đầu tư tìm hiểu về DN trước khi ra quyết định đầu tư.

“Theo Đề án Tái cơ cấu DN Nhà nước (DNNN), đến cuối năm 2015, phải cổ phần hóa xong 432 DNNN, nhưng theo số liệu được công bố, đến cuối năm 2014, mới có 143 DNNN hoàn thành cổ phần hóa, chỉ đạt 27% kế hoạch. Rõ ràng, mục tiêu cổ phần hóa 432 DN đang là thách thức rất lớn”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, một trong những vấn đề mấu chốt quyết định thương vụ IPO DNNN có thành công hay không là quyết định Nhà nước có giữ cổ phần chi phối DN nữa hay không. Trong trường hợp Nhà nước vẫn giữ trên 50% cổ phần, việc IPO khó thu được kết quả như mong đợi.

“Rõ ràng, thay đổi chính sách sẽ đóng góp vào việc thành công của cổ phần hóa của nhà nước bên cạnh chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài… sẽ góp phần thúc đẩy M&A mạnh mẽ hơn thời gian tới”, ông Hòa nhấn mạnh.

Trước những ý kiến thắc mắc về việc hiện tồn tại nhiều số liệu thống kê khác nhau về M&A, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A 2015 giải thích, chưa có một cơ quan quản lý nào đứng ra thống kê số liệu chính xác về M&A, mà chỉ có các nhóm nghiên cứu, công ty tư vấn độc lập, tự nghiên cứu và tổng hợp, nên số liệu có khác nhau.

Với tư cách là nhà tư vấn cho một số thương vụ, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt Nhữ Đình Hòa cho biết thêm, DN không muốn công bố thông tin các thương vụ M&A là điều dễ hiểu, bởi đó cũng là bí mật kinh doanh. Đơn vị tư vấn cũng phải có cam kết bảo mật thông tin về thương vụ đó với DN.

“Có những bí mật kinh doanh và không DN nào muốn tiết lộ. Chỉ đến khi thương vụ hoàn tất, DN bắt buộc phải làm thủ tục thay đổi với cơ quan quản lý, lúc đó, cơ quan quản lý mới có thông tin. Và cũng không nên nghĩ rằng việc DN không công bố thông tin có thể là trốn thuế, bởi những nhà đầu tư chân chính thường không muốn sa vào những vấn đề này”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Việt Nam đang hấp dẫn dòng vốn ngoại

TS. Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, sau khi đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 5,98% trong năm 2014, bước sang năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu khởi sắc rõ nét hơn. GDP 6 tháng đầu năm ước tăng trưởng 6,28%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2014 và đây là mức GDP tăng cao nhất kể từ năm 2009.

“Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhưng kết quả bước đầu của chương trình cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là cổ phần hóa DNNN và tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng, cũng như tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động M&A đang được các cơ quan quản lý nhà nước, DN, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm”, TS. Nguyễn Anh Tuấn đánh giá.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Recof nhận định, năm 2015 là thời hạn chót để hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Nếu việc hình thành Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN thành công, đây sẽ là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài với quy mô hơn 600 triệu dân. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ khiến DN Việt Nam buộc phải có sự cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực, nhưng qua đó cũng tạo ra cơ hội cho DN Việt Nam dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn của nước ngoài.

Ông Masataka Yoshida cho biết thêm, không chỉ có DN Nhật Bản mà các nhà đầu tư khác đến từ các quốc gia mới nổi trong khu vực như Thái Lan, Singapore sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với Nhật Bản để cùng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những công ty tốt tại Việt Nam. DN Nhật Bản trước đây tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, nhưng thời gian tới, sẽ có những DN vừa và nhỏ của Nhật lựa chọn cơ hội đầu tư tại các thành phố có quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn như Đà Nẵng.

“Một trong những động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam đó là sự bùng nổ của nhu cầu tiêu dùng”, ông Masataka Yoshida nói.

Còn theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đặc điểm dễ nhận thấy của các hoạt động M&A ở Việt Nam là nhiều thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài. Sự hiện diện của các DN nước ngoài trong các thương vụ M&A của Việt Nam đã thể hiện rõ mức độ thu hút của thị trường Việt Nam. 

M&A 2015 sẽ đạt giá trị lớn nhất

Tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được đẩy nhanh được kỳ vọng sẽ mang lại sự sôi động cho thị trường M&A Việt Nam năm 2015. Từ giữa năm nay, 4 vụ sáp nhập ngân hàng đã diễn ra, trong đó đáng chú ý là thỏa thuận giữa VietinBank và PGBank; Sacombank và Southern Bank; BIDV và MHB…

Nhìn nhận về xu hướng M&A trong ngành ngân hàng, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho rằng: “Bên cạnh việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống, việc nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trong nước thông qua hình thức M&A cho thấy sẽ là xu hướng tất yếu của ngành trong thời gian tới”.

Theo Nhóm Nghiên cứu MAF, những tháng còn lại của năm 2015, dự báo sẽ diễn ra nhiều thương vụ M&A và đây có thể là những thương vụ có giá trị lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Masataka Yoshida cho biết thêm: năm 2013 được nhận định là kỷ lục của thương vụ đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam với 20 thương vụ. Nhưng năm 2015, chỉ trong vòng 6 tháng, đã có 12 thương vụ M&A đến từ Nhật Bản. Đây là tín hiệu tốt từ các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam trong năm nay và đặc biệt các thương vụ thường được hoàn thành trong nửa cuối năm, nên chắc chắn số lượng M&A sẽ lớn hơn năm 2013.

“Đặc biệt, các DN, nhà đầu tư Nhật Bản về dài hạn không chỉ tập trung trong một lĩnh vực mà dàn trải, đa dạng hơn trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ có 7 lĩnh vực chính: bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng cá nhân, tài chính tiêu dùng, du lịch, tiêu dùng nhanh, eCommerce, logistic”, ông Masataka Yoshida nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục