Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy, đến tháng 6/2015, đã có 289 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa năm 2015 thành lập Ban Chỉ đạo, trong đó có 127 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 44 doanh nghiệp có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và 61 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa.
Thực tế cũng cho thấy, năm qua, hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đã tạo ra nguồn hàng khổng lồ cho M&A, là một trong những yếu tố giúp thị trường M&A 2014 sôi động trở lại sau 2 năm đi ngang, với trên 300 thương vụ, có tổng trị giá khoảng 4,2 tỷ USD, cao hơn so với năm 2013.
Có thể nói, IPO đã và đang tạo cơ hội tuyệt vời cho M&A. Chính Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đánh giá, chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với việc cổ phần hóa 432 tổng công ty và doanh nghiệp lớn trong năm 2014–2015 đang mở ra cơ hội cho thị trường M&A. Ngược lại, làn sóng mới trong hoạt động M&A là động lực quan trọng thúc đẩy sự thành công của chương trình tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Thời gian qua, sức nóng của các đợt IPO, thoái vốn, bán doanh nghiệp, giải thể, sáp nhập đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Các phiên chào bán cổ phần thành công của những doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vinatex, Vocarimex, Đạm Cà Mau… đã hút một dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Cũng qua cổ phần hóa, các doanh nghiệp không chỉ được “tiếp sức” bằng nguồn tài chính dồi dào, mà còn chọn được đối tác chiến lược, được tiếp nhận công nghệ, phương thức quản trị mới, mở rộng thị trường… từ các đối tác M&A. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh cùng quy mô của doanh nghiệp được nâng lên. Ở góc độ khác, có thể cho rằng, hoạt động M&A đang tạo nên giá trị mới cho doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Tiến trình cổ phần hóa đã đi quá nửa chặng đường và thời gian để về đích không nhiều. Vẫn còn một số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước đang tiến hành công việc này với số cổ phần chào bán lên tới hàng tỷ USD. Có lẽ chưa lúc nào, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lại mong chờ hoạt động cổ phần hóa như hiện nay. Điều đó đồng nghĩa, M&A thời gian tới sẽ đặc biệt sôi động.
M&A còn đầy sức hấp dẫn khi những doanh nghiệp nhà nước có giá trị lớn, làm ăn hiệu quả như Tổng công ty Cảng Hàng không, MobiFone, Sabeco… sắp bán vốn ra thị trường; khi doanh nghiệp cảng biển, cảng hàng không, viễn thông - lĩnh vực mà trước đây doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân chưa được phép sở hữu - sẽ sớm chào bán vốn.
Hoạt động M&A còn thêm “cú huých” thêm động lực mới với quy định nới room cho nhà đầu tư theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, với quy định mở về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước, với động thái tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, với việc Việt Nam sắp ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do cùng các đối tác lớn, với các khung khổ chính sách vừa được sửa đổi trong Luật Kinh doanh, Luật Đầu tư.
Con số 64% nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao cơ hội M&A từ quá trình cổ phần hóa nhà nước cho thấy niềm tin và tâm thế sẵn sàng của khối nhà đầu tư này với thị trường Việt Nam. Có lẽ chưa khi nào, thị trường M&A tại Việt Nam lại đầy tiềm năng, đầy sức hấp dẫn như hiện nay.