Ký ức buổi đầu tạo lập thị trường

(ĐTCK) Ngày 28/7/2000, Trung tâm GDCK TP. HCM tổ chức phiên giao dịch đầu tiên với hai cổ phiếu SAM và REE, đánh dấu sự ra đời của TTCK Việt Nam. Vạn sự khởi đầu nan, để đưa vào vận hành thị trường vốn bậc cao, có biết bao gian nan, vất vả với những người tạo lập thị trường.
Năm 2007, Trung tâm GDCK TP. HCM được chuyển đổi thành Sở GDCK  TP. HCM. Việc chuyển đổi mô hình đã giúp HOSE có một vị trí tương xứng với các sở GDCK trên thế giới trong mối quan hệ và hợp tác quốc tế, từ đó, nâng cao vị trí và tầm ảnh hưởng của TTCK Việ Năm 2007, Trung tâm GDCK TP. HCM được chuyển đổi thành Sở GDCK TP. HCM. Việc chuyển đổi mô hình đã giúp HOSE có một vị trí tương xứng với các sở GDCK trên thế giới trong mối quan hệ và hợp tác quốc tế, từ đó, nâng cao vị trí và tầm ảnh hưởng của TTCK Việ

Trong tiến trình thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế từ giữa những năm 1980, thì đến giữa những năm 1990, vấn đề vốn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải có thị trường vốn. Bên cạnh đó, nhu cầu thành lập TTCK cũng tăng lên do xuất phát từ quá trình hình thành các DN cổ phần, đòi hỏi phải có một thị trường giao dịch cổ phiếu và trái phiếu.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề nghị một số cơ quan triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập TTCK và sau đó Chính phủ quyết định thành lập Ban soạn thảo Pháp lệnh về chứng khoán và TTCK (vào năm 1994), đại diện chủ yếu từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) khi đó làm Trưởng ban; anh Lê Văn Châu, nguyên Phó Thống đốc NHNN là Phó ban. Ban soạn thảo đã xây dựng Đề án thành lập TTCK và dự thảo Pháp lệnh về chứng khoán và TTCK trình Chính phủ.

Trên cơ sở Đề án và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chuẩn bị tổ chức TTCK vào năm 1995 do anh Lê Văn Châu làm Trưởng ban, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng TTCK Việt Nam.

Một thời gian sau, nhận thấy với một tổ chức chưa được quy định rõ ràng như vậy thì tiến độ xây dựng thị trường khó có thể đẩy mạnh được, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/CP ngày 28/11/1996 về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK. Việc thành lập cơ quan quản lý TTCK trước khi thị trường ra đời là bước đi phù hợp với chủ trương xây dựng và phát triển TTCK ở Việt Nam, có ý nghĩa quyết định cho sự ra đời của TTCK sau đó hơn 3 năm.

Với kết luận của Bộ Chính trị về mô hình TTCK, chúng tôi bắt đầu triển khai công tác xây dựng thị trường. UBCK đã dự thảo Nghị định của Chính phủ về chứng khoán và TTCK trình Chính phủ ban hành vào năm 1998, có tên gọi là Nghị định số 48 về chứng khoán và TTCK. Việc ban hành Nghị định thay cho Luật hay Pháp lệnh nhằm bảo đảm tính linh hoạt cho khung pháp lý trong giai đoạn thị trường ban đầu.

Ký ức buổi đầu tạo lập thị trường ảnh 1

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006, giai đoạn TTCK Việt Nam đang thăng hoa, Tổng thống Mỹ George Walker Bush đã đến gõ cồng tại HOSE và nói: “Nếu còn trẻ, tôi sẽ đến Việt Nam đầu tư"

Ngoài ra, Chính phủ ban hành quyết định thành lập 2 Trung tâm GDCK tại Hà Nội và TP. HCM với nhận thức trong giai đoạn đầu chỉ nên thành lập trung tâm đơn giản, sau đó nâng cấp thành Sở GDCK. Trong thời gian này, Sở GDCK Hàn Quốc hỗ trợ rất tích cực cho UBCK trong việc huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng cơ sở pháp lý.

Bên cạnh công tác tạo hàng, đào tạo nhân lực thì công tác chuẩn bị hệ thống công nghệ được tập trung thực hiện. Để bảo đảm hiệu quả và phù hợp với giai đoạn đầu khi nhận thấy khả năng hàng hóa giao dịch hạn chế, tôi đã báo cáo anh Lê Văn Châu là nên có một hệ thống giao dịch ban đầu để khởi động thị trường, sau đó mới triển khai dự án chính thức. Sau khi được anh Lê Văn Châu đồng ý, chúng tôi đề nghị Sở GDCK Hàn Quốc hỗ trợ, nhưng khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra nên không thực hiện được.

Chúng tôi chuyển sang sử dụng công ty trong nước là FPT. Vào thời điểm đó, cựu Chủ tịch Sở GDCK Thái Lan sang Việt Nam và đề xuất hỗ trợ xây dựng hệ thống giao dịch, còn hệ thống lưu ký, thanh toán thì để FPT xây dựng. Ban lãnh đạo Ủy ban có họp bàn và thấy Thái Lan đã có kinh nghiệm và trải qua thời gian dài áp dụng hệ thống giao dịch nên đồng ý.

Sau đó, toàn thể cán bộ Trung tâm GDCK TP. HCM bắt tay vào việc xây dựng quy trình giao dịch, chạy thử phần mềm, hiệu chỉnh phần mềm với Sở GDCK Thái Lan, phối hợp với FPT xây dựng phần mềm cho hệ thống lưu ký. Anh em khi đó thường xuyên làm việc đến 9 - 10 giờ tối, nhóm ngồi với FPT, nhóm ngồi với các chuyên gia Thái Lan, nhóm thì trải dây trên sàn để lắp đặt máy móc, không khí rất hăng say và rạo rực như 30 Tết.

Tại trụ sở UBCK, anh Nguyễn Đức Quang, anh Trần Xuân Hà chỉ đạo quyết liệt các Vụ chức năng xây dựng các quy chế. Một loạt công tác khác được triển khai song song như công tác đào tạo; phối hợp với ngân hàng, tổ chức bảo hiểm để thành lập CTCK; công tác tạo hàng cho thị trường; triển khai hệ thống công nghệ…

Ký ức buổi đầu tạo lập thị trường ảnh 2

Trung tâm GDCK TP. HCM được khai trương vào ngày 20/7/2000. Sự có mặt của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Chính phủ thời ấy, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng minh chứng cho sự ủng hộ và sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam đón nhận TTCK - thị trường cao cấp nhất trong lịch sử loài người 

Ngày 28/7/2000, Trung tâm GDCK TP. HCM tổ chức phiên giao dịch đầu tiên, với hai cổ phiếu niêm yết là SAM và REE. Trong giai đoạn đầu, hàng hóa trên thị trường còn ít, hiểu biết của NĐT chưa cao, DN niêm yết quy mô nhỏ, cung cầu trên thị trường mất cân đối nên giá cổ phiếu bị đẩy lên cao. Trong vòng nửa năm, thị trường tăng rất nóng, UBCK đã đưa ra giải pháp hành chính can thiệp nhằm hạn chế tình trạng “bong bóng”. Kết quả làm thị trường sụt giảm mạnh. Đây là bài học kinh nghiệm đầu tiên về điều hành thị trường.

Ký ức buổi đầu tạo lập thị trường ảnh 3

Từ 2 cổ phiếu ban đầu, đến nay, trên TTCK đã có 670 mã cổ phiếu niêm yết trên hai sở GDCK. Sàn HOSE đón nhiều cổ phiếu có quy mô vốn lớn lên niêm yết. Trong ảnh là lễ chào sàn của CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài 

Sau khi Trung tâm GDCK TP. HCM đi vào hoạt động được 3 năm, trong buổi Lễ tổng kết của UBCK, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã trực tiếp chỉ đạo UBCK sớm xây dựng Trung tâm GDCK Hà Nội. Ngày 8/3/2005, Trung tâm GDCK Hà Nội chính thức được khai trương.. Từ đây, TTCK Việt Nam có thêm những bước phát triển mới, với hai sở GDCK vận hành ba thị trường: cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) và thị trường trái phiếu.

15 năm vận hành, TTCK đã có những bước tiến dài. Giá trị vốn hóa thị trường đã tăng gấp 580 lần so với buổi đầu, số lượt công ty niêm yết đạt 670 công ty, chưa kể trên 200 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, quy mô niêm yết tăng hơn 300 lần. Giá trị dư nợ trái phiếu hiện chiếm khoảng 22% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 32% GDP.

Tính chung, quy mô TTCK chiếm khoảng 54% GDP. TTCK đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa TTCK và thị trường tiền tệ - tín dụng. Cấu trúc TTCK ngày càng hoàn thiện với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu trong nước.

Nhìn lại chặng đường xây dựng TTCK Việt Nam đến nay, có thể khẳng định việc xây dựng TTCK là chủ trương rất đúng đắn nhằm tạo lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta. Trong đó, cơ quan quản lý được thành lập trước nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý, xây dựng thị trường, bảo đảm cho thị trường hình thành và phát triển trong trật tự, tránh được tình trạng phát triển một cách tự phát và đổ vỡ như các nước.

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục